Việt Nam công bố dịch: Virus Corona nguy hiểm thế nào?
Việt Nam đã chính thức công bố dịch virus Corona, người dân đang hoang mang không biết “lỡ” mắc virus này thì còn có cơ hội sống sót hay không?
Bộ Y tế cho biết, tính đến 14h ngày 1/2, tổng số người mắc virus Corona tại Trung Quốc đã lên tới gần 12.000 người. Tổng số trường hợp tử vong là 259 người.
Tại Việt Nam hiện đã có 6 trường hợp nhiễm virus Corona. Chiều 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Hiện người dân đang rất hoang mang và thắc mắc, “nếu lỡ mắc virus Corona thì cơ hội sống sót như thế nào”.
Bệnh nhân nhiễm virus Corona nhập viện, cách ly tại Trung Quốc
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, tỷ lệ tử vong do chủng virus Corona mới là khoảng 3-4%, thấp hơn so với SARS và Mers-CoV.
Do đó, người dân không nên quá lo lắng. Nguy cơ nhiễm bệnh khi bị virus tấn công phụ thuộc vào khả năng miễn dịch tại chỗ của đường hô hấp và khả năng miễn dịch toàn thân.
Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm virus Corona mới nếu diễn biến thông thường thì sẽ tự khỏi bệnh sau 5-7 ngày.
Tuy nhiên, mọi người cũng cần hết sức cảnh giác vì đây là một virus mới, lây lan nhanh. Có một số bệnh nhân có thể diễn biến nặng, tổn thương phổi nặng cần điều trị tích cực, bắt buộc phải nhập viện điều trị.
Mọi người cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế để phòng bệnh cho bản thân và những người xung quanh như:
- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Trả lời câu hỏi có phải hệ miễn dịch yếu thì virus dễ có cơ hội tấn công, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, nguy cơ nhiễm bệnh khi bị virus tấn công phụ thuộc vào khả năng miễn dịch tại chỗ của đường hô hấp và khả năng miễn dịch toàn thân.
Những thói quen thường ngày có thể gây tổn hại đến miễn dịch tại chỗ của đường hô hấp như hút thuốc lá, ở trong môi trường khói bụi có nhiều tác nhân kích thích đường hô hấp hoặc ở trong phòng điều hòa không khí quá khô gây khô niêm mạc. Nhiều thói quen gây suy giảm miễn dịch toàn thân như nghiện rượu bia, sinh hoạt không điều độ, ăn kiêng quá mức.
Ngoài những yếu tố trên, các bệnh lý mãn tính cũng có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch của đường hô hấp và của toàn thân như bệnh tiểu đường, béo phì, phổi mãn tính...
Do đó, những người phải làm việc ở môi trường có đông người cần lưu ý: Cố gắng giữ khoảng cách an toàn (trên 2m) với những đối tượng mình tiếp xúc, nếu trong đám đông có người có biểu hiện về hô hấp thì hướng dẫn họ đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, lý tưởng là toàn bộ đám đông đều đeo khẩu trang.
Đồng thời chú ý vệ sinh các bề mặt công cộng dễ bị vấy bẩn như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa hoặc chỗ nhiều người cầm nắm vào..., rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn sau khi sờ vào các bề mặt nghi ngờ bị vấy bẩn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới...
Nguồn: [Link nguồn]