Thương chiến Mỹ - Trung có thể khiến Việt Nam giảm 6.000 tỷ đồng GDP

Sự kiện: Thời sự

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có thể khiến GDP của Việt Nam ảnh hưởng, giảm khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tiếp tục cập nhật...

Thương chiến Mỹ - Trung có thể khiến Việt Nam giảm 6.000 tỷ đồng GDP - 1

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Sáng 6/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ tham gia làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên ông Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo thường lệ tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Thủ tướng không trực tiếp trả lời chất vấn mà uỷ quyền cho một Phó thủ tướng; tại những kỳ họp trước, các Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ đã lần lượt đăng đàn.

Trước khi đi vào trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng có 15 phút để báo cáo về tình hình kinh tế xã hội chung những tháng đầu năm và các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ từ nay đến cuối năm.

Điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu

Liên quan đến thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Giải ngân 5 tháng đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).

Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém, đúng như nhiều vị ĐBQH đã nêu. Một số bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; còn chậm chễ trong thực hiện quy trình, thủ tục, đấu thầu, triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện. Vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật về đầu tư công.

Theo Phó thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm. Chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình; Điều chỉnh kế hoạch vốn từ các Bộ ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục các bất cập, tồn tại trong các quy định pháp luật về đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin – cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm…

Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân

Về phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện nay, cả nước có trên 730 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp (Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp).

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên quyết không chấp nhận gian lận trong thi cử

Về việc khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo Phó thủ tướng, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.

Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, kiên quyết không chấp nhận gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử. Nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định. Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với những trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Vẫn còn tham nhũng vặt

Báo cáo về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả ; Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế ; Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp.

Tăng nặng hình phạt để xử lý các vấn đề bức xúc xã hội

Về đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu thực tế gần đây ở một số địa phương còn xảy ra không ít vấn đề đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại. Xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm…; không ít giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo Phó thủ tướng, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

38 loại hình, danh hiệu được UNESCO công nhận

Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về ngoại giao văn hoá và hội nhập trong lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng khẳng định hội nhập về văn hoá là chủ trương quan trọng. Thủ tướng đã thông qua Chiến lược về ngoại giao văn hoá đến 2020, trong đó nổi bật là quảng bá hoạt động văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

Thời gian tới sẽ tiếp tục vận động UNESCO tiếp tục công nhận các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Hiện ta đã có 38 loại hình, danh hiệu được UNESCO công nhận. Đây cũng là một trong những kênh để các quốc gia biết tới Việt Nam nhiều hơn trên phương diện văn hoá.

Liên quan đến việc quảng bá du lịch ra nước ngoài, 96 cơ quan đại sứ quán và tổng lãnh sự ở nước ngoài, ngoài nhiệm vụ chính trị còn có trách nhiệm quảng bá du lịch.

Việt Nam hành động thế nào trước cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang hết sức quyết liệt đồng thời đặt câu hỏi với Phó thủ tướng về quan điểm của chúng ta, hành động của chúng ta thế nào cho phù hợp?

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các tổ chức thương mại, kinh tế thế giới đều đánh giá rằng nếu cuộc chiến này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng từ 3,5% có thể giảm xuống còn 3,2%.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã chuẩn bị nhiều kịch bản trước diễn biến thương chiến Mỹ - Trung, trong đó có việc tập trung ổn định vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Việt Nam có độ mở về nền kinh tế rất lớn, do đó chắc chắn cuộc cạnh tranh thương mại này sẽ có ảnh hưởng. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập một ban nghiên cứu để đánh giá tác động. Trước mắt là tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu cho chúng ta. Cụ thể có thể làm giảm 6.000 tỉ đồng GDP trong tới đây”, Phó thủ tướng thông tin.

Liên quan đến ứng xử của Việt Nam về vấn đề Biển Đông như chất vấn của đại biểu Trí, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: "Việt Nam có đủ cơ sở luật pháp và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Việc tranh chấp chủ quyền giữa các nước phải được thực hiện theo luật pháp quốc tế, giải quyết bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực và không thay đổi nguyên trạng".

Kiên quyết bảo vệ ngư dân đánh cá trong vùng biển chưa phân định

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn về tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực chưa phân định, đồng thời đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân?

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của ta: "Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh với các nước nếu họ bắt ngư dân của ta khi đánh cá trong vùng biển hợp pháp của ta. Vừa qua, cũng có một số ngư dân của ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định, cụ thể giữa Việt Nam và Indonesia. Một số vụ đã xảy ra va chạm, mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại giao đều trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và với đối tác ở Indonesia đòi được thả và đền bù. Với những ngư dân đi đánh cá tại những vùng biển, vùng đặc quyền của các nước, chúng ta cũng bảo hộ ngư dân thông qua việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng...".

Vì sao chậm giải ngân vốn ODA các dự án giao thông?

ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) chất vấn, hiện chúng ta đang rất thiếu các nguồn lực để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông nhưng việc giải ngân lại chậm, đặc biệt là với nguồn vốn ODA: "Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết vì sao giải ngân ODA lại chậm như vậy, do các thủ tục hành chính hay do tổ chức thực hiện?".

Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết, một trong những lý do chính bởi nguồn vốn đối ứng không được bố trí phù hợp: “Khi ký kết vay vốn ODA, các nhà cung cấp bao giờ cũng yêu cầu có nguồn vốn đối ứng để giải quyết những vấn đề liên quan, chẳng hạn như mặt bằng sạch. Dù các bộ ngành địa phương đã cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện, nguồn vốn đối ứng này lại không được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn".

Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát, xử lý thế nào?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn Phó Thủ tướng việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát. Chính phủ đã tính tới tình huống này chưa? Giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?

Tuy nhiên, với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời.

Theo ông Lê Minh Hưng, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần được theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

“Chúng ta thoả mãn 2 tiêu chí đầu tiên của Hoa Kỳ, tức là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng của Hoa Kỳ đưa ra”, ông Hưng cho hay.

Ông cũng cho biết báo cáo của Mỹ kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ. Chúng ta cũng khẳng định việc điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng. Báo cáo này chỉ đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ, cho một số bộ, ngành, trong đó có ngân hàng nhà nước.

Không dọn rác trên không gian mạng, não bộ con người bị ảnh hưởng

Liên quan tới câu hỏi về giải pháp ngăn chặn những độc hại cũng như tác động tiêu cực từ mạng xã hội của ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời thay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay thế giới đang có sự chuyển dịch vĩ đại từ thế giới thực vào thế giới ảo. Trong thế giới thực thì có chính quyền, công cụ pháp luật để duy trì sự lành mạnh trong xã hội. Tuy nhiên trong không gian mạng lại chưa được như vậy. Trong khi đó, mọi thứ trong cuộc sống đã đi vào không gian mạng và gây ra nhiều hệ lụy

"Giải pháp của chúng ta là hệ thống pháp luật phải nhanh chóng đi vào không gian mạng. Lâu dài phải đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào bậc học phổ thông. Đây là giải pháp căn cơ nhất. Nếu như đời thực thở bằng không khí, thì trong không gian mạng chúng ta thở bằng tin tức nội dung. Đời thực có hàng ngàn tấn rác, nếu không rọn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng tới não người", Bộ trưởng Hùng ví von.

Vì thế, để người tham gia không gian mạng không xả rác, các nhà mạng và bộ ngành quản lý phải có bộ lọc. Hiện Bộ TT&TT đã có trung tâm truyền thông giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia, cơ bản đã làm được việc phân tích, đánh giá, lọc "rác". Từ đó, với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ, kể cả các mạng xã hội nước ngoài.

"Trong 10 tháng vừa qua, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng 500%. Chúng ta đã nhìn thấy vấn đề rất lớn cần phải chung tay. Tôi tin khi đã nhìn thấy vấn thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nhà mạng có công cụ chọn lọc, chính quyền mạnh tay hơn hoàn thiện hệ thống pháp luật thì tôi tin thời gian tới không gian mạng của chúng ta sẽ lành mạnh hơn", ông Hùng nói.

Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết thúc lúc 11h30. Tổng cộng có 27 câu hỏi được các đại biểu chất vấn. Với những câu chưa được trả lời, Phó Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn có hay không hoạt động ”kinh doanh chùa”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Bình - T.Tuyết ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN