Việt Nam chỉ còn 17 ca dương tính điều trị tại các cơ sở y tế, khuyến cáo mới nhất của chuyên gia
Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 6/5, đã 20 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 18h ngày 6/5, Việt Nam có tổng cộng 131 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 34.097, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 245
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.293
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.559
Về tình hình điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 6 ca.
- Số ca dương tính với SARS-CoV-2: 17 ca.
Về tình hình COVID-19 trên thế giới, đến ngày 6/5, thế giới ghi nhận 3.744.765 ca nhiễm COVID-19 trong đó có 258.884 ca tử vong.
Cũng theo Bộ Y tế, sáng 6/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vừa qua một số trường học có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc, máy móc, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, lớp học không được bật điều hoà... Theo các chuyên gia, những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại cho sức khoẻ của các cháu học sinh.
Khuyến nghị của chuyên gia là các cháu học sinh trong lớp học không bắt buộc đeo khẩu trang, phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay nhưng giờ ra chơi thì phải đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác để tránh xác suất lây nhiễm, dù rất nhỏ. Các phòng học có thể bật điều hoà nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Các phụ huynh cũng không nên cho con đi ra nơi công cộng khi không cần thiết.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Đến giờ phút này chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, phải quay lại cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng, mỗi ngày xuất hiện hàng chục nghìn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Có thể ví von Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước thì nước cao, sóng lớn”.
Do vậy, trước tiên chúng ta phải “bao đê cho chặt”, giữ đê cho chắc, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Chỉ vì 2 học sinh đi theo cha mẹ sang Campuchia rồi trở về quê nhập học mà đã có hàng chục bạn học và cả giáo viên bị...
Nguồn: [Link nguồn]