Viện kiểm sát tiết lộ lý do truy tố, xét xử bà Nhàn AIC dù đang bỏ trốn
Đại diện VKS nêu các lý do truy tố, xét xử đối với bà Nhàn AIC thay vì tạm đình chỉ điều tra, dù bị cáo này đang bỏ trốn.
Chiều 28-12, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP tiến bộ Quốc tế AIC.
Sau khi các bị cáo và luật sư thực hiện bào chữa, đại diện VKS trình bày phần đối đáp của mình.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ AIC. Ảnh: CTV
Vì sao bắt buộc phải xét xử bà Nhàn AIC?
Vụ án này, tám trong số 36 bị cáo bị phát lệnh truy nã và xét xử vắng mặt. Bào chữa cho nhóm tám bị cáo, nhiều luật sư đề nghị phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với những người này.
Đối đáp quan điểm trên, đại diện VKS cho hay BLTTHS quy định việc tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ truy tố, tạm đình chỉ xét xử khi chưa xác định được bị can/bị cáo hoặc không biết rõ bị can/bị cáo đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử.
Tuy nhiên, BLTTHS cũng quy định trong trong trường hợp có nhiều bị can/bị cáo có lý do tạm đình chỉ nhưng không liên quan đến các bị cáo khác thì có thể tạm đình chỉ. Ngược lại, nếu lý do tạm đình chỉ mà ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả bị can khác thì có thể không tạm đình chỉ.
Đối chiếu với vụ án này, việc tạm đình chỉ đối với tám bị cáo là có thể và có căn cứ. Tuy nhiên, như đã dẫn chứng ở trên, việc tạm đình chỉ đối với tám bị cáo nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến vụ án, nên không thể tạm đình chỉ.
Cụ thể, chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ.
Không chỉ bà Nhàn, bảy bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án. Vì thế, việc cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Luật sư một số bị cáo còn cho rằng thân chủ của mình xuất cảnh khỏi Việt Nam trước thời điểm bị khởi tố, nên đề nghị bãi bỏ tình tiết bỏ trốn, gỡ lệnh truy nã…
Phản bác quan điểm này, đại diện VKS nhấn mạnh, khi bị can bỏ trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã. Tuy nhiên, luật không quy định thời điểm bỏ trốn, do đó việc trốn trước hay sau khi bị khởi tố đều là hành vi bỏ trốn.
Vụ án này, sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, cả tám bị cáo đều không có mặt tại nơi cư trú, không có mặt theo triệu tập… Vì thế, các bị cáo xuất cảnh trước thời điểm khởi tố hay không có thông tin xuất cảnh đều bị truy nã theo quy định.
Vẫn theo đại diện VKS, việc gỡ bỏ lệnh truy nã hay còn gọi là đình nã chỉ khi bắt được bị can bị truy nã. Tuy nhiên, hiện cả tám bị cáo đều chưa bị bắt hoặc ra đầu thú, do đó đề nghị gỡ bỏ lệnh truy nã là không có căn cứ, trái quy định pháp luật.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa. Ảnh: CTV
Giảm án đề nghị đối với cựu chủ tịch tỉnh
Đáng chú ý, trước khi đi vào đối đáp cụ thể với từng luật sư và bị cáo, đại diện VKS quyết định giảm mức án đề nghị đối với ông Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, từ 9-10 năm tù xuống còn 8-9 năm tù về tội nhận hối lộ.
Căn cứ mà VKS đưa ra là do bị cáo Thái có thái độ rất thành khẩn, trung thực, “nổi trội” nhất trong vụ án; đồng thời thể hiện sự công tâm, ghi nhận của VKS đối với tinh thần của bị cáo.
Vẫn theo đại diện VKS, trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã kê biên, phong tỏa năm loại tài sản. Đến nay, VKS đề nghị tiếp tục kê biên sáu căn hộ chung cư tại phố Lý Thường Kiệt đứng tên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn; một căn biệt thự trên phố Nguyễn Huy Tự đứng tên bà Nhàn.
Đặc biệt, đại diện VKS đề nghị chuyển lại để cơ quan điều tra tiếp tục xác minh tình trạng sở hữu đối với tổng số tiền 107 tỉ đồng tại bốn tài khoản của Công ty AIC; một căn biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo do bà Nhàn nhờ cha đẻ đứng tên; hai thửa đất diện tích hơn 4.000 m2 tại phường Xuân Đỉnh do Công ty CP bất động sản AIC đứng tên.
Trước đó, có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Công ty CP bất động sản AIC cho biết khu đất hơn 4.000 m2 nêu trên "từ lâu đã không còn là của Công ty AIC hay bà Nhàn".
Theo vị đại diện, năm 2009, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án (xây dựng trụ sở văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh) trên khu đất diện tích hơn 4.000 m2 sang cho Công ty AIC.
Đến năm 2010, UBND TP Hà Nội ra quyết định về việc thu hồi, giao cho Công ty AIC tiếp tục thực hiện dự án.
Về sau, Công ty CP bất động sản AIC thuê lại khu đất với hình thức sử dụng đất, thuê đất trả tiền hàng năm trong thời hạn 50 năm. Đến năm 2012, Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bất động sản AIC.
Trước đây, bà Nhàn là một trong 12 cổ đông của Công ty CP bất động sản AIC. Nhưng đến tháng 4-2021, bà Nhàn cùng toàn bộ 11 cổ đông còn lại ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần cho ba doanh nghiệp.
Theo vị đại diện, từ thời điểm này, bà Nhàn không còn là cổ đông của công ty, không còn bất kỳ quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan. Do vậy, đề nghị HĐXX huỷ bỏ việc kê biên đối với khu đất để công ty tiếp tục thực hiện dự án.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài vụ án xảy ra ở Đồng Nai, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, còn đang bị điều tra trong 3 vụ án khác cùng về vi phạm đấu thầu.