Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho cựu Cục trưởng C50
Viện kiểm sát nhân tỉnh Phú Thọ đã công bố bản luận tội với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) và đề nghị mức án với bị cáo này.
Chiều 21/11, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50, thuộc Tổng Cục Cảnh sát).
Bị cáo Hóa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Hóa tại tòa.
Theo đại diện VKS, tại toà, bị cáo Hóa không thừa nhận hành vi phạm tội của mình như Viện kiểm sát truy tố mà đổ tội cho người khác.
VKS cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Công an giao chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bị cáo Hoá không thực hiện đúng chức năng, nhiệm của mình mà trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát) ký quyết định 158 ngày 14/5/2015 về việc thành lập Công ty bình phong CNC thuộc C50, trái với quy định của Bộ Công an và ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an.
“Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, bị cáo Hoá không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao xác minh, xử lý.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của 2 game bài RikVip và 23Zdo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Nguyễn Thanh Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2, sau 50 ngày mới chỉ đạo Phòng Tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không trung thực.
Nguyễn Thanh Hóa cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo nguồn thu dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là nhiệm vụ chiến lược của C50.
Nhưng thực tế hơn 2 năm công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng.” – đại diện VKS nói.
VKS cho rằng, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Vĩnh, Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của Hóa mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Xét vai trò đồng phạm của Nguyễn Thanh Hóa cùng với Phan Văn Vĩnh thì Nguyễn Thanh Hóa là cấp dưới trực tiếp có nghĩa vụ thực hiện chỉ đạo của Vĩnh. Do vậy, hành vi của Hóa là thực hành tích cực, truyền đạt ý kiến của Phan Văn Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý game bài.
Về tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, VKS cho rằng, Nguyễn Thanh Hoá không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo Hoá không thành khẩn, không ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà còn đổ lỗi cho người khác. Trong khi chính bản thân bị cáo Hoá là người thực hành tích cực, chỉ đạo soạn thảo và ký nhiều văn bản giúp Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.
Tuy nhiên, quá trình công tác, Nguyễn Thanh Hoá có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, được tặng thưởng nhiều Huân, huy chương… Bị cáo là con, cháu của liệt sỹ, có ý thức nộp lại số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên bị cáo được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ.
Từ những lập luận đưa ra, VKS đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thanh Hoá phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và phạt tù từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Phan Sào Nam đủ điều kiện được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung.