Vị truyền nhân cuối cùng của phái võ Long Hổ Hội
Trong giới võ lâm thời ấy, phái Long Hổ Hội với những đòn thế “xuất quỷ nhập thần” đã tạo nên những giai thoại huyền bí trên võ đài sinh tử.
Bằng tuyệt chiêu hiểm hóc mà nhiều người cho rằng dùng “bùa ngải”, những võ sĩ của môn phái đã hạ gục đối thủ chỉ ngay những cú đánh đầu tiên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khi giới võ thuật đang đồn đại rằng Long Hổ Hội đang dần bị mai một thì võ sư Long Phi Thanh, một trong ba đệ tử chân truyền còn lại của vị cố nhân sáng lập đang âm thầm nuôi dưỡng sức mạnh tinh túy của môn phái lừng danh một thuở.
Niềm đam mê võ thuật của vị võ sư “dị thường”
Gặp võ sư Long Phi Thanh tại võ đường tại quận Thủ Đức (TP.HCM), ấn tượng đầu tiên của tôi là vóc dáng bé nhỏ nhưng chứa đầy khí chất của vị truyền nhân đặc biệt này. Sau hồi bỡ ngỡ đầu tiên, vị võ sư tóc hoa râm trải lòng tâm sự với chúng tôi về cuộc đời võ nghiệp của mình. Được đến với Long Hổ Hội là một duyên phận với ông và để giữ được sự nghiệp của cố nhân để lại quả thật không dễ dàng.
Dù tuổi đã cao nhưng Võ sư Long Phi Thanh vẫn tích cực truyền dạy bí kíp võ phái Long Hổ Hội cho môn sinh. Ảnh TG
Nhấp một ngụm trà nóng trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, vị võ sư kể lại duyên phận đến với Long Hổ Hội của mình. Võ sư Long Phi Thanh tên thật là Phạm Văn Thanh (SN 1950), sinh ra tại đất Sài Gòn đầy rẫy thị phi những năm trước giải phóng. Chứng kiến cảnh dân tộc mình phải chịu lầm than dưới ách đô hộ của giặc Mỹ, cậu bé Thanh ngày ấy đã sớm có tinh thần chiến đấu không khuất phục quân xâm lược. Khi ấy, Thanh đã lên 11 tuổi nhưng vóc dáng lại thấp bé hơn rất nhiều bạn đồng trang lứa. Điều này khiến cậu bé có nhiều mặc cảm khi đến với võ thuật song vẫn không hề nguôi ngọn lửa nhiệt huyết bởi quân thù đang lộng hành trên quê hương mình.
Gạt bỏ hết sự tự ti về ngoại hình, cậu được chú họ dạy cho Thất Sơn thần quyền. Ba năm sau, khi đã lĩnh hội đủ các chiêu thức của người chú truyền dạy, cậu bé bắt đầu theo học môn võ dân tộc Bình Định của một võ sư sống ẩn dật mà cậu quen gọi là thầy Sáu. Cũng vì vóc dáng nhỏ bé ấy mà cậu luyện võ rất khó khăn. Có khi vì gắng sức luyện tập đến “thừa sống thiếu chết” mà sư phụ không dám cho cậu học tiếp nữa. Thế nhưng, với niềm đam mê võ thuật và khát vọng độc lập cho dân tộc mình, cậu đã tích cực khổ luyện môn võ cổ truyền hơn 10 năm trời để đạt đến trình độ võ sư.
Với mong muốn người Việt Nam bé nhỏ có võ tự vệ để không bị bọn đế quốc bắt nạt, cậu đã mạnh dạn đứng ra mở lò dạy võ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).Tuy nhiên, chàng thanh niên trẻ lúc ấy chỉ cao đến 1m6 nhưng là chủ một võ đường đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Vì vậy, không có nhiều học trò đến thỉnh giáo một chàng trai trẻ tuổi như cậu. Và nghiệp võ của cậu cứ nhạt nhòa trôi đi nếu không có duyên đến với phái võ Long Hổ Hội. Đến bây giờ, võ sư Long Phi Thanh xem đó như là định mệnh của cuộc đời ông vậy.
Vị võ sư còn nhớ như in cuộc gặp gỡ giữa ông và sư phụ Lâm Hữu Hội. Lúc ấy, khi được sư phụ chỉ cho những đòn thế đặc biệt biến hóa của Thiếu Lâm Nững Xị, dường như ông đã thoát ra được vỏ bọc nhỏ bé của mình để thăng hoa cùng võ thuật. Ngạc nhiên về sự thay đổi trong chính con người mình, ông được sư phụ giải thích rằng: phái võ này khiến con người ta quên đi những nhược điểm của cơ thể, không còn ranh giới của sắc vóc, giới tính, mạnh yếu mà hình thành nên phản xạ tự nhiên vô cùng hiểm hóc để chiến đấu. Sau khi nghe lời truyền dạy thấm thía ấy, ông đã bỏ qua những phái võ từng học để đi theo sư phụ phái Long Hổ Hội bắt đầu chặng đường võ học mới.
Thời đó, những võ sĩ của phái Long Hổ Hội mỗi khi thượng đài đều không có đối thủ. Những vị sư huynh Mousetaza, Long Mouse, Mã Sơn Ba, Long Vân,… trên võ đài khiến cho võ sĩ khác phải khiếp sợ bằng cú knock - out ngoạn mục. Lúc đó, những tên giang hồ khét tiếng trong đó có Đại ca thay đang làm mưa làm gió ở Sài Gòn nhờ được thọ giáo sư phụ Lâm Hữu Hội đã khiến nhiều người phải nể sợ phái Long Hổ Hội. Cũng vì thế mà vị cố nhân vô cùng hối hận vì truyền thụ nhầm cho đệ tử có máu giang hồ như vậy. Ông muốn tìm một người có nhân cách học võ để môn phái mình sáng lập không để lại tiếng xấu cho đời và chàng trai trẻ Long Phi Thanh đã được chọn nhờ cơ duyên ấy. Sau hơn hai năm được thọ giáo bí kíp môn phái và trở thành võ sư điêu luyện của Long Hổ Hội cũng là lúc sư phụ Lâm Hữu Hội qua đời, võ sư Long Phi Thanh mang trọng trách thực hiện di nguyện của cố nhân duy trì và phát triển phái võ lừng lẫy một thời thoát khỏi bóng đen của Đại ca thay từng khiến mọi người khiếp sợ.
Lưu truyền bí kíp “bùa ngải” một thời
Đến nay, trong số ba đệ tử còn lại của Long Hổ Hội thì chỉ có võ sư Long Phi Thanh đang ngày đêm thực hiện công việc truyền dạy võ thuật cho học trò để Thiếu Lâm Nững Xị không bị mai một như lời giang hồ đồn thổi. Để tránh sai lầm của sư phụ Lâm Hữu Hội khi nhận Đại ca thay làm đệ tử, học trò của ông được tuyển lựa rất kỹ để “chọn mặt gửi vàng”. Tất cả đều là sinh viên đang theo học tại các trường Đại học ở TP.HCM đang được truyền thụ bí kíp võ công môn phái từ thầy Thanh. Tò mò về lời đồn “bùa ngải” mà dân gian lưu truyền, chúng tôi đã được võ sư Long Phi Thanh giải thích một cách khoa học, cặn kẽ về môn phái Thiếu Lâm Nững Xị.
Võ sư Long Phi Thanh (đai trắng) và các môn sinh. Ảnh TG
Nhắc đến điểm cốt lõi cũng là “tuyệt chiêu” của môn võ mà mọi người nhầm tưởng “bùa ngải”, ông vừa nói vừa ra các đòn biểu diễn cho khách xem: “Đòn thế căn bản ở đây xuất phát từ những thao tác lao động bình thường của con người. Từ đó mà hình thành nên phản xạ tự nhiên khi giao đấu. Đó là những đòn nhanh, mạnh, dứt khoát. Tất cả gồm có 36 đường quyền được hình thành bởi 36 động tác đòn thế, tạo nên tuyệt chiêu “đánh trong lúc bị đánh” là vậy. Các đòn thế hỗ trợ nhau khiến đối thủ bị hạ gục rất nhanh. Có lẽ vì vậy mà người ta thường bảo rằng phái võ này dùng “bùa ngải!”
Nói về tính khoa học của võ thuật, ông “bật mí” với chúng tôi rằng: Võ Long Hổ Hội dựa trên sự sắp xếp có quy luật của hệ thống cơ thể và tâm lý con người mà tạo nên những đòn thế tấn công phù hợp. Sự tự tin, thoải mái tâm lý sẽ tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và sáng suốt trong chiến đấu. Bên cạnh đó, những đường quyền còn là sự logic về toán học hình khối và lực vật lý trong khi tiếp chiêu đối phương, giúp tạo nên tính phản xạ để chiến thắng trong mọi tình huống bất ngờ nhất. “Bùa ngải” thực chất là vậy! Người luyện võ Long Hổ Hội thực ra là đang luyện 5 tố chất của con người. Đó là khả năng quan sát, khả năng tập trung, khả năng tư duy, khả năng trí tuệ và phát triển nhân cách. Khi kết hợp đầy đủ những yếu tố đó, người học võ sẽ đạt tới ngưỡng đỉnh cao của võ thuật.
Rồi ông chỉ tay về các binh khí sử dụng như “độc binh” trong Thiếu Lâm Nững Xị. Bởi các đòn thế cộng với các loại binh khí này sẽ tạo nên những tuyệt chiêu rất “độc”, làm đối thủ phải khiếp sợ. Đó là những roi, kiếm, song tôn, song côn, song đao,… mà những võ sĩ đấu đài đã hạ knoc out không biết bao nhiêu giang hồ hảo hán một thời. Và chính ông dù không thượng đài như các sư huynh của mình vẫn thường xuyên có người tới thách đấu. Vì chú tâm vào dạy võ và không muốn mình dính vào ân oán giang hồ như Đại ca thay làm sư phụ buồn, ông nhiều lần chối từ những lời mời giao đấu.
Nhưng không thể tránh khỏi một lần, ông lần giở lại ký ức của mình: “Đó là vào năm 1986, khi sư phụ vừa mới qua đời không lâu, có 5 cao thủ võ lâm không hiểu gốc gác ở đâu tới, đầu cạo trọc chuyên đi thách đấu các võ đường ở Sài Gòn. Chúng ngạo nghễ bước vào võ đường Long Hổ Hội thách đấu, nói rằng nếu thắng thì võ đường này phải thuộc về chúng, nếu thua thì chấp nhận bái tôi làm sư phụ. Biết không thể tránh được, tôi nhận lời thách thức”. Trận đấu bắt đầu, 1 tên sừng sỏ nhất trong 5 người ra giao đấu, một chọi một với ông. Tên cao thủ đó liền tung ngay cú đá sấm sét nhằm hạ knock out đối thủ. Nhanh như chớp, Long Phi Thanh cúi lẹ lách sau người của đối thủ và tung đòn độc vào huyệt vị. Tên võ sĩ nằm lăn ra sàn nhà đau đớn. Thấy thế, 4 tên còn lại bèn xin thua và lẳng lặng rút về, không thực hiện lời giao hẹn của chúng khi giao đấu thất bại.
Giờ đây, ngoài công việc truyền thụ phái võ Long Hổ Hội cũng là di nguyện của cố sư phụ để lại, ông còn niềm vui thú về điện ảnh nhưng không ngoài phạm vi… võ thuật. Bộ phim đầu tiên của ông trước giải phóng là phim nhựa “Tình trong bóng tối”, trong đó ông diễn cảnh đấu đài võ cùng với võ sư Lý Huỳnh. Bây giờ, thi thoảng ông vẫn tham gia đóng phim nếu có thời gian. Nhưng công việc dạy võ cho môn sinh tại võ đường và cho cả lực lượng kiểm lâm khi có yêu cầu khiến vị võ sư đã đến tuổi “thập cổ lai hy” không còn thời gian ngơi nghỉ. Dường như trong con người nhỏ bé ấy vẫn tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết làm việc, cống hiến hết sức mình để duy trì và phát triển phái võ lừng danh một thuở.