Vì sao xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch khi “bảo bối” của Nhật sắp hết thử nghiệm?

Sắp hết hạn chạy thử nghiệm “bảo bối” của Nhật xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch thì 1 triệu m3 nước hồ Tây được xả ra làm dòng sông trong xanh khác lạ.

Sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ nhờ được cung cấp 1 triệu m3 nước từ hồ Tây

Sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ nhờ được cung cấp 1 triệu m3 nước từ hồ Tây

Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mở 2 cửa xả nhằm mục đích xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc mở cửa xả được đơn vị cho hay, do mực nước hồ Tây đang cao hơn quy định nên cần phải xả để chuẩn bị đón nước trước khi mùa mưa bão đến.

Với việc xả nước hồ Tây, sông Tô Lịch đã nhận được một nguồn cung dồi dào, đủ đẩy hết nước thải, ô nhiễm tồn đọng một thời gian dài. Hình ảnh con sông đen sì, hôi thối lâu nay bỗng trở nên trong xanh, hai hàng cây ven bờ soi bóng xuống dòng nước khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng.

Thế nhưng, việc xả nước hồ Tây lần này lại gần với thời điểm sắp hết hạn thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm được khởi động từ ngày 16/5 và dự kiến sau 2 tháng (16/7) sẽ kết thúc.

Nhiều người lo ngại rằng, việc xả tới 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy sục khí Nano, đồng thời làm sai lệch kết quả xử lý ô nhiễm nước của các “bảo bối” này.

Dòng nước trong xanh từ hồ Tây khiến sông Tô Lịch thay đổi diện mạo

Dòng nước trong xanh từ hồ Tây khiến sông Tô Lịch thay đổi diện mạo

Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/7, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, việc xả nước hồ Tây là điều tiết nước bình thường theo quy định. Mực nước hồ Tây đang cao hơn qui định nên phải xả chứ không có vấn đề gì.

Khi được hỏi về việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch có ảnh hưởng gì đến kết quả thí điểm làm sạch, ông Sương nói: “Đó là việc của đơn vị thí điểm còn chế độ vận hành hệ thống thoát nước thành phố vẫn theo quy định bình thường. Nước hồ đầy thì phải xả lấy chỗ chứa chuẩn bị mùa mưa”.

Đại diện Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị phối hợp lắp đặt và vận hành công nghệ Nano Bioreactor cho biết thêm, việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch không hề làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành máy cũng như kết quả xử lý của máy Nano.

Theo vị này, đến sáng 11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đóng 1 cửa xả, cửa còn lại chỉ mở 1/3 nên lượng nước hồ Tây vào sông đã giảm đi rất nhiều.

“Chỉ cần đóng cửa xả vào thì nước sông Tô Lịch sẽ rút ngay. Nước thải lại tiếp tục đổ vào sông nên bản chất nước lúc này như nước mưa pha loãng. Từ hôm nay đến hôm dự tính lấy mẫu nước (16/7) còn gần 1 tuần nên việc xả nước không ảnh hưởng gì đến kết quả xử lý của máy Nano”, đại diện JVE cho hay.

Dự kiến, đến ngày 16/7, sau đúng 2 tháng thí điểm, các cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành lấy mẫu lần cuối để phân tích kết quả xử lý ô nhiễm của máy sục khí Nano, từ đó có đánh giá khách quan nhất về hiệu quả của công nghệ Nhật Bản này.

Dự tính đến ngày 16/7 sẽ kết thúc thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch.

Dự tính đến ngày 16/7 sẽ kết thúc thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch.

Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch (300m đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Theo các kết quả JVE công bố, tính từ thời điểm đặt máy (16/5) đến ngày 8/7, độ dày của bùn sông giảm mạnh. Tại điểm B1 (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m), độ dày bùn giảm từ 91,3cm giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m), độ dày bùn giảm từ 96,7cm xuống chỉ còn 19cm.

Tại khu vực quây rào sắt ngày 17/6, tính đến ngày 4/7 (sau hơn 2 tuần), tại vị trí TL-VT4 (30m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lí bùn), độ dày bùn giảm từ 73cm xuống còn 35cm (giảm 38cm).

Tại vị trí TL-VT3 (tại điểm 25m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lý bùn), độ dày bùn giảm từ 68cm xuống còn 20cm (giảm 48cm).

Đáng chú ý, hàm lượng oxy hòa tan (DO) bên trong khu vực xử lí tăng mạnh đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.

“Bảo bối” của Nhật Bản xử lý bùn siêu nhanh, sông Tô Lịch có cơ hội hồi sinh

Những kết quả công bố cho thấy, độ dày của bùn dưới sông Tô Lịch đang được công nghệ Nano của Nhật Bản xử lý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN