Vì sao web truy nã của Interpol chưa có tên Trịnh Xuân Thanh?

Vì sao trên trang web truy nã của Interpol chưa có tên Trịnh Xuân Thanh, PV đã liên hệ với Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) làm rõ nội dung này.

Thông tin mới nhất về diễn biến việc truy nã đối tượng Trịnh Xuân Thanh, mới đây báo chí phản ánh việc tính đến sáng (19/9), trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol (tại địa chỉ - www.interpol.int/notice) vẫn chưa đăng tải thông tin truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh.

Trước sự việc này, trao đổi với PV báo Người đưa tin, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, các đơn vị chức năng đang làm thủ tục với Tổ chức Cảnh sát Quốc tế để truy nã ông Trịnh Xuân Thanh.

Vì sao web truy nã của Interpol chưa có tên Trịnh Xuân Thanh? - 1

Trịnh Xuân Thanh thời còn làm chủ tịch HĐQT PVC - (Ảnh: PVC.VN).

Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để đăng tải thông tin của đối tượng bị truy nã quốc tế cũng cần phải có quy trình và phía Interpol cũng cần thời gian để thẩm định lại yêu cầu truy nã của các nước thành viên.

Theo luật sư Anh Thơm, trình tự thủ tục truy nã được thực hiện như sau: Trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

Quyết định truy nã phải được gửi đến: Công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm công an cấp tỉnh; Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ).

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

Trong trường hợp trên, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và thông báo rộng rãi trên website của Cục Cảnh sát truy nã để cho nhân dân , các cơ quan, tổ chức được biết phát hiện thông báo hoặc bắt giữ theo qui định của pháp luật.

Khi có căn cứ xác định bị can đã bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan truy nã sẽ gửi lệnh truy nã cùng các giấy tờ pháp lý có liên quan đến Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát.

Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol). Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế đối tượng.

“Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương nhưng trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm lại tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ và pháp luật quốc gia yêu cầu dẫn độ. Theo đó, mỗi quốc gia đều có các quy định về dẫn độ tội phạm” – luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhất Nam (Người đưa tin)
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN