Vì sao VKS kháng nghị có lợi cho các bị cáo vụ đại án Công ty Nhật Cường?
VKS kháng nghị theo hướng không buộc các bị cáo thuộc Công ty Nhật Cường phải liên đới bồi thường số tiền 221 tỉ đồng thu lời bất chính từ hoạt động buôn lậu.
Sáng 29-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường).
Tại tòa hôm nay, đại diện Công ty Nhật Cường được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đại diện công ty này vắng mặt.
Sau khi hội ý nhanh, HĐXX quyết định tiếp tục làm việc. Theo nhận định, sự vắng mặt của đại diện Công ty Nhật Cường không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng 29-11. Ảnh: TP
Phiên tòa phúc thẩm được mở do 11 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm trong việc nộp tiền phạt khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, VKSND TP Hà Nội cũng có kháng nghị liên quan đến phần áp dụng biện pháp tư pháp của bản án sơ thẩm.
Theo VKS, toàn bộ khoản tiền 221 tỉ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu (do Bùi Quang Huy cầm đầu – PV) được nhập vào Công ty Nhật Cường, theo dõi, hạch toán, quản lý trên phần mềm ERP của công ty.
Các bị cáo tại Công ty Nhật Cường đều là người làm công ăn lương, giữ vai trò giúp sức cho Bùi Quang Huy, không được ăn chia khoản tiền thu lợi bất chính này.
Do đó, VKS đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm theo hướng buộc Công ty Nhật Cường phải nộp lại khoản tiền 221 tỉ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đồng thời, VKS đề nghị không buộc các bị cáo thuộc Công ty Nhật Cường phải liên đới nộp lại khoản tiền 221 tỉ đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện Công ty Nhật Cường dù được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử. Ảnh: TP
Trước đó, hồi tháng 5-2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án nói trên. 14 bị cáo bị tuyên phạt từ ba năm sáu tháng đến 14 năm tù, về một trong hai tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX còn buộc nhóm bị cáo phạm tội buôn lậu phải liên đới nộp lại hơn 221 tỉ đồng thu lợi bất chính.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2014 đến 2019, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đã bỏ trốn) chỉ đạo và tổ chức mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng… từ 16 nhà cung cấp nước ngoài với tổng giá trị 2.927 tỉ đồng.
Sau khi vận chuyển trái phép tới Hà Nội, Huy chỉ đạo nhân viên đưa hàng về kho của công ty tại 39 Lý Quốc Sư. Thông qua hệ thống cửa hàng trải khắp Hà Nội, công ty này đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu được hơn 3.213 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng.
Ngoài ra, Huy còn yêu cầu nhân viên ghi sổ sách kế toán trên hai hệ thống: Hệ thống nội bộ, thể hiện đầy đủ số liệu kinh doanh, cả hàng nhập lậu. Hệ thống công khai, chỉ có hàng hợp pháp để kê khai với cơ quan nhà nước. Chỉ tính phần nghĩa vụ nộp thuế, hành vi này đã gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng.
Cùng với việc tuyên án đối với các bị cáo, HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao phối hợp, khẩn trương điều tra, truy bắt những bị can đang bỏ trốn, trong đó có Bùi Quang Huy.
Bị cáo Trần Ngọc Anh (phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường). Ảnh: TP
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường). Ảnh: TP
Bị cáo Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường, anh trai Bùi Quang Huy). Ảnh: TP
Vụ án này, nhiều bị cáo không có đơn kháng cáo nhưng VKS có kháng nghị nên vẫn được trích xuất tới tòa. Ảnh: TP
Sáng mai (29/11), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định...
Nguồn: [Link nguồn]