Vì sao Việt Nam phát hiện rất ít số ca dương tính trong cộng đồng?
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, trong tổng số 88.555 mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm mới phát hiện 245 ca dương tính với SARS-CoV-2 (Covid-19).
Đến thời điểm này, Hà Nội chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 thông qua xét nghiệm tại cộng đồng.
Đến 18h30 ngày 6/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 245 trường hợp.
Tính đến hết ngày 5/4, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm cộng dồn tại Việt Nam là: 88.555 (số mẫu dương tính: 245, số mẫu âm tính: 88.310). Việt Nam đứng thứ 97 trong số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19.
Theo trang Worldometers, tổng số ca xét nghiệm tại Mỹ đến thời điểm này là: 1.772.369, trong đó có 336.851 người mắc. Tại Tây Ban Nha tổng số ca xét nghiệm: 355.000 trong đó có 131.646 ca mắc. Tại Ý tổng số ca xét nghiệm là 691.461, số ca mắc là 128.948. Tại Anh tổng số ca xét nghiệm là 195.952, trong đó số ca mắc là 47.806. Tại Thái Lan tổng số ca xét nghiệm là 25.071, trong đó số ca mắc là 2.220.
Lý giải vì sao số ca mắc của Việt Nam liên tục giảm trong 2 ngày gần đây (từ ngày 5 đến 18h30 ngày 6/4, chỉ phát hiện 5 ca dương tính). Đặc biệt, trong các mẫu xét nghiệm thì số ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng rất ít (tổng số mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm trong cộng đồng bằng kỹ thuật PCR ở Hà Nội là 8.886 mẫu, chưa có mẫu nào dương tính với SARS-CoV-2 (Covid-19), PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, bước đầu các ca mắc mới giảm vì Việt Nam đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Đến nay, số người nhập cảnh đã giảm hẳn và số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.
Tuy nhiên, PGS. Trần Đắc Phu cho biết, hiện giờ vẫn chưa thể đánh giá được tình hình. Các ca trong cộng đồng bây giờ mới là mối cần quan tâm. Vì thế, cần phải xem diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng như thế nào. Bởi thời gian qua, đã có một số ca trong cộng đồng đáng lo ngại như trường hợp bệnh nhân số 237, người Thụy Điển có tiếp xúc với rất nhiều người tại nhiều địa phương.
Cũng theo PGS. Trần Đắc Phu, trong thời gian quyết định này, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Người dân phải ý thức được tình hình, thực hiện giãn cách xã hội.
“Giai đoạn này là quyết định. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước khác. Do đó, cần sự tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan. Bởi lẽ, trong cộng đồng chúng ta đang không biết ai nhiễm bệnh, ai không. Nguy cơ mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng”, PGS. TS Trần Đắc Phu lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đánh giá, tình hình dịch hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc giảm nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, để thực hiện tốt việc khoanh vùng dập dịch theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh.
Dù số ca xét nghiệm nhanh trong cộng đồng rất ít nhưng PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội vẫn khẳng định: Việc xét nghiệm nhanh dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnhh.
“Thực hiện xét nghiệm sớm, xét nghiệm nhanh sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, qua xét nghiệm nếu phát hiện sớm ca bệnh, người nhiễm bệnh được điều trị kịp thời và công tác xử lý, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh được triển khai quyết liệt hơn thì sẽ tránh lây lan rộng ra cộng đồng, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Các trạm xét nghiệm nhanh (xét nghiệm huyết thanh) có tác dụng chỉ điểm nhất định và là yếu tố khả quan để tiên lượng tình hình dịch trong cộng đồng, hạn chế các trường hợp mất dấu F0”, ông Cảm cho hay.
Để dịch không bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo: Không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn. |
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều nay (6/4), tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...