Vì sao việc cứu hộ bé trai 10 tuổi lọt ống cọc ở Đồng Tháp kéo dài?
Đến hôm nay là ngày thứ 11 bé trai Thái Lý Hào Nam rơi vào ống cọc bê tông ở Đồng Tháp, công tác cứu hộ vẫn đang được triển khai tích cực.
Địa chất, địa hình khiến cứu hộ gặp khó
Sáng 10/1, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, Tổ trưởng Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ tại công trình cầu Kênh Rọc Sen cung cấp thông tin mới nhất liên quan công tác cứu hộ bé trai 10 tuổi lọt ống cọc ở Đồng Tháp.
Ông Bảo cho biết, từ tối qua đến nay, mưa tầm tã ở khu vực công trường khiến công tác cứu nạn vốn đã khó khăn càng phức tạp. Ông Bảo cho biết, lực lượng cứu hộ cứu nạn ăn ngủ tại công trường suốt 10 ngày qua, làm việc 24/24h để làm sao hoàn thành công tác cứu nạn sớm nhất.
Đặt câu hỏi vì sao việc cứu hộ, cứu nạn lại kéo dài như vậy? Ông Bảo cho biết, việc kéo một cọc bê tông đã đóng sâu 35m từ dưới lòng đất lên không đơn giản. Địa chất tại công trường là đất sét, khi cọc đóng xuống, đất sét bám chặt vào trụ cọc, vì vậy nhổ lên rất khó khăn.
Lúc đầu các đơn vị huy động cẩu 35 tấn để nhổ cọc nhưng không nhổ được. Sau đó, bổ sung thêm cẩu 50 tấn, rồi 80 tấn, đồng thời đóng vách ngăn, dùng khoan để lấy đất, làm nhuyễn đất hai bên cọc và múc lên.
Điểm thi công cầu Rọc Sen đi vào rất khó khăn, việc điều động, vận chuyển những thiết bị chuyên dùng vào rất khó, mất thời gian. Các thiết bị như cần cẩu, búa rung được vận chuyển bằng đường thuỷ, nhưng khi qua các kênh nhỏ hẹp lại vướng các cầu dân sinh có tĩnh không thấp, phải chờ con nước mới đi lọt qua được.
Hiện trường cứu hộ bé trai Thái Lý Hào Nam.
Huy động búa rung 180kW đến công trường
Ông Bảo cho biết, sau khi có hỗ trợ của Bộ GTVT, các chuyên gia, các nhà thầu mạnh trong việc khoan cọc nhồi... đã xây dựng phương án cứu hộ mới bằng những thiết bị chuyên dùng hiện đại, lớn hơn. Tuy vậy, cũng cần thời gian để đưa phương tiện tới hiện trường và thực hiện cứu hộ hiệu quả.
"Các thiết bị được vận chuyển và bổ sung liên tục về hiện trường, những người thực thi nhiệm vụ làm việc với phương châm làm sao đưa bé Nam lên càng sớm càng tốt nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu hộ", ông Bảo nói.
Vị Tổ trưởng cũng cho biết đã huy động đến công trường một búa rung 180kW, búa này được vận chuyển từ cảng Cái Mép - Thị Vải đi suốt trong mấy ngày qua. Trong ngày hôm nay (10/1) bắt đầu vào việc hỗ trợ phương án nhổ cọc bê tông nơi bé trai Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) mắc kẹt.
Hiện, tại hiện trường tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Kênh Rọc Sen đã tập kết các thiết bị gồm: gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m.
Hiện đã đóng xong khung vây ván thép vòng ngoài để giữ ổn định cho thiết bị thi công. Đồng thời, đã lắp xong 2/5 tầng khung chống và đã đào đất được 1 phía vách đến cao độ khoảng 13 - 14m so với mặt đất.
Cũng theo Tổ điều hành cứu hộ, cứu nạn công trình cầu kênh Rạch Sen, phương án cứu hộ hiện nay không khác so với ban đầu. Có điều, đã huy động được nhiều thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ lực lượng cứu hộ sớm hoàn thành nhổ cọc đưa bé Hạo Nam về với gia đình.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống cọc bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Phát hiện sự việc, các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.
Sau nhiều ngày cứu nạn, tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định, bé Hạo Nam đã tử vong.
Tỉnh Đồng Tháp cho biết dự kiến chiều 9-1 sẽ có thêm búa rung 180kW vận chuyển từ cảng Cái Mép, Thị Vải về để thực hiện việc nhổ trụ bê tông có bé trai mắc kẹt.
Nguồn: [Link nguồn]