Vì sao Trung Quốc không có bạn?

Chính sách đối ngoại và cách hành xử với láng giềng đã đẩy Bắc Kinh vào thế đối đầu với tất cả.

Năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã từng phát biểu trước một hội nghị châu Á rằng Mỹ “có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải trên các vùng biển chung của châu Á cũng như việc tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông”.

Đối với Trung Quốc, lời tuyên bố trên của bà Clinton chẳng khác gì những lời “tuyên chiến” với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh. Thế nhưng hầu như chẳng có quốc gia nào trên thế giới đứng ra “nói đỡ” cho Trung Quốc một lời. Quá tẽn tò trước cộng đồng quốc tế, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đành phải vớt vát: “Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là nước nhỏ, đó là thực tế.”

Vì sao Trung Quốc không có bạn? - 1

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh

Theo bình luận của chuyên gia GeoffDyer thuộc tờ Financial Times, “chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ, ông Dương đã xé nát chính sách đối ngoại khôn ngoan, cần mẫn và hiệu quả của Trung Quốc trong suốt hơn một thập kỷ qua.” Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ minh chứng cho một thực tế đơn giản: Trung Quốc đang ngày càng có ít bạn bè trên thế giới.

Tình cảnh bị cô lập của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng ngay trước thềm hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung diễn ra trong tuần này.

Tờ Washington Post của Mỹ bình luận: Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc cũng như cách hành xử ngày càng hung hăng của họ trong vấn đề chủ quyền trên biển đã đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với các nước láng giềng. Trung Quốc cũng ra mặt đối chọi với Mỹ, nước có quan hệ đồng minh thân cận với 3 quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh và có nghĩa vụ phải bảo vệ các nước này trong trường hợp bị tấn công.

Còn học giả Bruce Jones của Viện Brookings (Mỹ) thì nhấn mạnh rằng Mỹ “có hơn 50 đồng minh, chiếm 1/4 tổng số quốc gia trên thế giới”, trong khi các “đồng minh chiến lược” của Trung Quốc thì vô cùng hiếm hoi và ngày càng ít ỏi. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó?

Vì sao Trung Quốc không có bạn? - 2

Trung Quốc hầu như không có đồng minh chiến lược trên thế giới (Ảnh minh họa)

Về mặt lịch sử, trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc đã hình thành cho mình đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” từ năm 1982 tới nay và không tham gia thành lập bất cứ một liên minh nào.

Theo chuyên gia phân tích Feng Zhang thuộc Đại học Quốc gia Úc, Trung Quốc coi việc không tham gia các liên minh như một nguyên tắc của chính sách đối ngoại, và coi việc xây dựng liên minh như một tàn tích của Chiến tranh Lạnh không phù hợp với Trung Quốc.

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc có quy mô ngày càng lớn cả về dân số lẫn lãnh thổ, trong khi họ có đường biên giới chung với 14 quốc gia khác nhau. Thế nhưng tư tưởng bành trướng của Trung Quốc luôn gây ra những nghi kỵ, dè chừng từ các nước láng giềng.

Tư tưởng bành trướng đó của Bắc Kinh được thể hiện rất rõ trong cách hành xử hung hăng, ngang ngược gần đây, từ việc tuyên bố “đường lưỡi bò” nuốt gần như trọn Biển Đông, đưa ra khái niệm đầy mơ hồ về “lợi ích cốt lõi”, ngang nhiên kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Những hành động này hoàn toàn đi ngược lại với chính sách “trỗi dậy hòa bình” mà bấy lâu nay Trung Quốc vẫn rêu rao, gây mất ổn định nghiêm trọng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vì sao Trung Quốc không có bạn? - 3

Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc đẩy nước này vào thế bị cô lập

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách tung tiền ra đầu tư để tạo quan hệ đối tác trên khắp thế giới, cung cấp các khoản vay hào phóng và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ mà không thèm quan tâm đến bản chất của chính phủ nước sở tại là gì.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nhận ra một điều rằng các thỏa thuận kinh tế không làm nên quan hệ đồng minh bền vững, bởi để tạo được mối quan hệ này, hai nước ít nhất cần phải có những giá trị và mục tiêu chiến lược chung.

Mới đây, chuyên gia Daniel Kliman thuộc Quỹ Marshall Đức đã so sánh 3 thập kỷ trỗi dậy của Trung Quốc (từ 1982-2002) với “thời kỳ vàng” của Mỹ (1870-1900), Đức (1870-1900), Liên Xô (1945-1975) và Nhật Bản (1960-1990) xét trên những điểm tương đồng về tăng trưởng kinh tế, thương mại và quân sự toàn cầu.

Chuyên gia này nhận xét: “Trong 30 năm phát triển, Trung Quốc đã tiến nhanh hơn, xa hơn bất cứ cường quốc đang trỗi dậy nào khác trên thế giới.” Tuy nhiên đi kèm với đó là việc đầu tư quá lớn cho quân sự, gây ra nỗi bất an, lo lắng khôn nguôi cho các quốc gia khác trên thế giới.

Mặc dù Trung Quốc đang tìm cách phá liên minh Mỹ-Nhật-Hàn ở Đông Á và loại bỏ các quan hệ đồng minh khác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, thế nhưng có vẻ như Bắc Kinh không hề có bất cứ một nền tảng nào để xây dựng quan hệ đồng minh.

Với tất cả những yếu tố trên, Trung Quốc đang ngày càng trở nên đơn độc hơn trên trường quốc tế, và hậu quả của nó là sẽ không còn ai đứng ra bảo vệ cho Bắc Kinh trên các diễn đàn thế giới, bởi không ai có thể chấp nhận được cách hành xử ngang ngược, đi ngược lại thông lệ và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN