Vì sao Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa?
Hôm qua là ngày thứ ba liên tiếp Triều Tiên phóng tên lửa vào vùng biển phía Đông. Hành động này cho thấy Triều Tiên đang muốn phát triển hơn nữa tiềm lực quân sự hoặc thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong thời điểm căng thẳng liên Triều dường như đã hạ nhiệt.
Các vụ phóng tên lửa này được thực hiện trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên khá yên tĩnh. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng có vẻ Triều Tiên đang thử nghiệm loại vũ khí mới chứ không phải cố tình khiêu khích Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Paik Hak-soon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) cho hay: “Nếu Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa này khi Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành tập trận chung thì chúng có thể được hiểu là một mối đe dọa đối với Hàn Quốc và Mỹ hoặc cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mọi việc đang yên bình, rất có khả năng họ đang thử nghiệm công nghệ vũ khí mới".
Một người dân Hàn Quốc đang theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác định loại vũ khí mà Triều Tiên phóng đi hôm thứ Bảy là tên lửa đất đối đất tầm ngắn KN-02, có tầm bắn dưới 160km, tuy nhiên hôm qua, họ tuyên bố rằng đó có thể không phải là tên lửa thông thường.
Hiện Hàn Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích các vụ phóng tên lửa này. Ông Kim Jang-soo, Trưởng phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng, dù đó là vụ bắn thử hay thao diễn vũ khí thì Triều Tiên không nên có những hành động gây ra căng thẳng.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden nói rằng, các vụ phóng tên lửa vừa qua chỉ càng làm cho Triều Triên bị cô lập và hối thúc giới lãnh đạo của quốc gia này “đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama để lựa chọn con đường hòa bình và tiến tới tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình”.
Hồi tháng 4, Triều Tiên đã cho di chuyển tên lửa tầm xa Musudan tới bờ biển phía đông, gây ra nhiều đồn đoán về một vụ phóng tên lửa và khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải nâng cao cảnh giác. Tên lửa Musudan có tầm bắn lên tới hơn 4000km và có thể bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Tuy nhiên, lúc đó Triều Tiên đã không bắn thử loại tên lửa này, theo các chuyên gia một phần là do họ không chắc chắn là việc bắn thử sẽ thành công. Theo các chuyên gia về Triều Tiên thì việc bắn thử thất bại trong lúc căng thẳng lên tới đỉnh điểm sẽ khiến quốc gia này “mất mặt”.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Triều Tiên đã châm ngòi cho một thời kỳ căng thẳng kéo dài bằng vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2. Họ đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong, rút toàn bộ 53.000 công nhân làm việc tại khu công nghiệp này về nước. Đến nay, khu công nghiệp này vẫn tạm dừng hoạt động và cả hai bên vẫn chưa nhất trí thảo luận để tiếp tục vận hành nó.
Một điều thú vị là các vụ phóng tên lửa vừa qua của Triều Tiên lại xảy ra cùng thời điểm với vụ Triều Tiên bắt giữ tàu cá và thuyền viên Trung Quốc, một hành động thử thách mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh này.
Việc phóng tên lửa và bắt giữ tàu cá Trung Quốc này có thể là một nỗ lực thu hút sự chú ý của Triều Tiên trong thời điểm tình hình yên ắng sau khi cuộc tập trận Đại bàng non giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc hôm 30/4 vừa qua. Các nhà phân tích tin rằng, Triều Tiên đang tìm cách tạo ra mối quan ngại trong khu vực nhằm tăng cường vị thế đàm phán và thu hút thêm viện trợ của cộng đồng quốc tế.
Shin In-kyun, trưởng nhóm phân tích Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng: “Tại thời điểm này, chúng ta không thể biết chắc là những vụ phóng tên lửa đó còn hàm chứa ý nghĩa nào nữa không, nhưng ít nhất thì họ cũng đã thành công trong việc tiếp tục thu hút sự chú ý của Hàn Quốc và Mỹ”.