Vì sao trao nhầm con suốt 6 năm mà đến nay chưa đổi lại?
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì lý giải vì sao hai gia đình bị bệnh viện trao nhầm con từ 6 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa đổi lại.
BV Đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự việc trao nhầm con.
Liên quan đến vụ việc 2 bé trai bị trao nhầm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây, nhiều người thắc mắc vì sao trao nhầm con suốt 6 năm mà đến nay 2 gia đình vẫn chưa đổi lại.
Ngày 12/7, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Đa khoa Ba Vì) cho biết, bệnh viện đã gặp gỡ 2 gia đình để tìm cách giải quyết. Phía gia đình anh Phùng Giang Sơn đang rất mong muốn sớm nhận con.
“Chúng tôi đang cùng hai gia đình phối hợp để đưa các cháu về đúng với bố mẹ ruột của các cháu. Đồng thời, bệnh viện đồng ý bù đắp tổn thất về tinh thần cho hai bên gia đình trong khuôn khổ quy định của pháp luật”’, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong khi đó, anh trai chị Vũ Thị Hương (một trong hai gia đình nuôi nhầm con), anh Vũ Tiến Phương cho biết, do phía Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì có những hành xử chưa thực sự tôn trọng gia đình, từ đó gây bức xúc dẫn đến các bên không hiểu nhau và càng đẩy sự việc đi quá xa.
Cũng theo anh Phương, hiện tại chị Hương đang rất sốc trước sự thật này. Hai mẹ con chị Hương rất yêu thương nhau, luôn ở bên nhau kể cả khi bố mẹ ly hôn.
“Gia đình Hương tan vỡ cũng vì chuyện nhầm lẫn này, vì thế khi sự thật được phơi bày thì cũng cần phải có thời gian thích ứng, hiện 2 gia đình vẫn đi lại với nhau để các cháu làm quen dần”, anh Phương chia sẻ.
Chị Hương và người con trai bị trao nhầm suốt 6 năm qua. Ảnh: Phạm Nhung
Ông Nguyễn Đức Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn gửi đến tòa án để giải quyết sự việc trao nhầm con. Tòa án vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì sẽ làm đúng theo quy định pháp luật.
Cũng theo Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì, hiện tại tòa vẫn chưa thể xử lý sự việc này vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.
Cụ thể: Trước đây, hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị Hương. Bởi vậy, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, Tòa án phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý. Vì thế, đơn vị xét nghiệm phải đưa ra kết luận khẳng định kết quả này là đúng mới có căn cứ để xử lý.
Trước đó, năm 2012, vợ anh Phùng Thanh Sơn vào Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì sinh con. Khi được nhân viên bệnh viện giao con, vợ chồng anh đã nghi ngờ vì thấy nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ, nhưng bác sĩ khẳng định không nhầm. Từ đó, anh chị đưa con trai về nuôi. Nhưng càng lớn, cháu Phùng Thanh H. càng không có đường nét ngoại hình nào giống bố mẹ khiến mối nghi ngờ của vợ chồng anh bắt đầu xuất hiện trở lại. Cuối cùng, vợ chồng anh Sơn quyết định đưa con đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an). Kết quả, cháu H. không cùng huyết thống với vợ chồng anh. Anh Sơn tỏ ra rất bức xúc trong lá đơn gửi Bộ Y tế. Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại BV Đa khoa huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, BVĐK Ba Vì và các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc, các sự cố liên quan, tránh để tình trạng khiếu kiện kéo dài. |
Vô tình bố của anh Sơn xem ảnh trên điện thoại qua Facebook, nhìn thấy ảnh cháu Đoàn Nhật M (người con chị Vũ Thị Hương...