Vì sao TQ phá lệ, vồn vã săn đón thủ tướng Malaysia?
Sự vồn vã bất thường của Trung Quốc đối với Malaysia khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên có một thực tế rằng Malaysia sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm tới, và Trung Quốc đang rất sợ ASEAN đoàn kết chống lại mình.
Ngày 27/5, Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu có chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Trung Quốc nhân dịp 2 nước kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và sự săn đón nhà lãnh đạo Malaysia một cách vồn vã bất thường của Bắc Kinh đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trước khi ông Najib đặt chân đến Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí sẽ tổ chức lễ kỷ niệm trên ngay tại Đại lễ đường Nhân dân vào hôm 31/5 nhằm khẳng định vị trí của Malaysia đối với Trung Quốc.
Tập Cận Bình (phải) vồn vã một cách bất thường với Thủ tướng Malaysia Najib
Malaysia và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 40 năm, sau khi cựu Thủ tướng Razak Hussein và người đồng cấp Chu Ân Lai ký thông cáo chung về quan hệ giữa hai nước.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra bất ngờ với sự vồn vã “bất thường” mà Trung Quốc dành cho nhà lãnh đạo Malaysia trong bối cảnh Bắc Kinh đang hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế trước những hành động hung hăng, ngang ngược trên Biển Đông.
Điều dễ nhận thấy nhất của sự vồn vã “bất thường” này là việc ông Tập bất ngờ phá bỏ quy tắc ngoại giao thông thường khi lên kế hoạch tổ chức một tiệc chiêu đãi cá nhân dành cho ông Najib và phu nhân.
Theo thông lệ ngoại giao quốc tế, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ tổ chức các buổi hội đàm song phương với Thủ tướng Najib, còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới là người tiếp đón và tổ chức tiệc chiêu đãi cho người đồng cấp Malaysia.
Theo các chuyên gia phân tích, chuyến thăm này của ông Najib tới Trung Quốc là cơ hội để Bắc Kinh tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của Kuala Lumpur trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với các quốc gia thành viên ASEAN, hoặc ít nhất là thuyết phục Malaysia đứng ngoài cuộc trong các tranh chấp này.
Trung Quốc đang tìm mọi cách lôi kéo Malaysia trong tranh chấp Biển Đông?
Mặc dù từ lâu Malaysia và Trung Quốc vẫn thường coi mối quan hệ giữa hai nước là “thành viên trong gia đình”, song gần đây cách nhìn nhận và suy nghĩ của người dân Malaysia đối với Trung Quốc đã thay đổi một cách nhanh chóng, đặc biệt là sau khi một hạm đội Trung Quốc kéo xuống tập trận ở bãi cạn James do Malaysia tuyên bố chủ quyền, một hành động khiến dư luận Malaysia giận dữ và phản ứng quyết liệt.
Ông Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu cho rằng trong bối cảnh phức tạp của tình hình hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc rất muốn tăng cường hợp tác với Malaysia, đặc biệt là khi nước này sẽ trở thành chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Hiện ASEAN đang tìm cách thúc đẩy vòng đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, và Bắc Kinh ngày một lo ngại rằng khối 10 quốc gia ASEAN sẽ đạt được lập trường thống nhất chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Ông Zhang phân tích: “Sự đoàn kết của ASEAN là một nguy cơ đối với tham vọng của Trung Quốc, bởi vậy họ phải tìm mọi cách để ngăn cản điều đó. Một trong những thông điệp quan trọng mà Trung Quốc phát đi lần này là Malaysia không nên đưa ra những tính toán sai lầm.”
Ông này nói tiếp: “Sự phản đối của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981 càng khiến Trung Quốc cảm thấy cần phải lôi kéo bằng được Malaysia về phía mình.”
Việc lôi kéo quốc gia chủ tịch ASEAN là một chiến thuật mà Trung Quốc thường áp dụng để vô hiệu hóa sức phản ứng và sự đoàn kết của các quốc gia Đông Nam Á. Trước đây, Trung Quốc đã thể hiện sự “hài lòng ra mặt” sau khi nước chủ nhà Campuchia ngăn cản hội nghị ngoại trưởng ASEAN ra thông cáo chung lên án hành vi hung hăng của Trung Quốc.