Vì sao TQ ồ ạt sắm 8000 xe tăng chủ lực?

Trong khi Mỹ ngày càng giảm lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực, Trung Quốc và nhiều nước châu Á lại mạnh tay đầu tư mua sắm nhiều xe tăng mới.

Mới đây, tạp chí quân sự châu Á Asian Military Review đã liệt kê một loạt chương trình mua sắm và nâng cấp vũ khí lớn của các quốc gia trong khu vực, và một điểm đáng chú ý là hầu hết các cường quốc quân sự châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đều mạnh tay đầu tư cho các lực lượng xe tăng chiến đấu mới.

Quân đội Trung Quốc vừa đầu tư trang bị khoảng 8000 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới, trong đó có 5000 chiếc là loại tăng Type 59, một phiên bản Trung Quốc của mẫu xe tăng chủ lực T-54, T-55 đã lỗi thời của Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc cũng đã sắm mới khoảng 700 xe tăng MBT Type-99 được trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến như các loại vũ khí bắn xuyên giáp và gây sát thương bằng công nghệ cảm biến laser.

Vì sao TQ ồ ạt sắm 8000 xe tăng chủ lực? - 1
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99 của quân đội Trung Quốc

 

Loại đạn mới này kết hợp với công nghệ cảm biến laser mới nhất trên xe tăng Type-99 của Trung Quốc được xem là một mối đe dọa đáng kể cho đối thủ tiềm tàng. Nó có thể được sử dụng để phá hủy các thiết bị quang học xe tăng của đối phương và làm mù cả phi đoàn xe tăng.

Ngoài ra, hiện Trung Quốc cũng đang nghiên cứu loại xe tăng chủ lực có chi phí rẻ hơn là MBT-3000 được thiết kế đặc biệt để nhắm tới các thị trường đang phát triển có nhu cầu phát triển lực lượng xe tăng.

Cạnh tranh xe tăng ở châu Á

Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Ấn Độ đang có kế hoạch mua tới 1657 chiếc xe tăng T-90 của Nga từ nay đến năm 2020, trong đó có 1000 chiếc được chế tạo trong nước theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ với Nga.

Số xe tăng mới mua này sẽ đủ cho quân đội Ấn Độ thành lập tới 59 trung đoàn tăng chủ lực. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ nâng cấp lực lượng xe tăng T-72 hùng mạnh với hơn 1.900 chiếc của mình, đồng thời tiếp tục tự phát triển các loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ ba là Arjun MKI và MKII.

Còn Nhật Bản lại đang giảm bớt quy mô đội tăng Mitsubishi Type 90 xuống còn 400 chiếc, nhưng họ sẽ trang bị thêm 68 tăng chủ lực thế hệ mới Mitsubishi Type 10, một loại xe tăng nhẹ hơn, linh hoạt hơn với tác chiến đô thị, loại hình tác chiến mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải đối mặt nhiều nhất trong tương lai.

Xương sống hiện nay của lực lượng xe tăng Hàn Quốc là xe tăng chủ lực Hyundai KI và KIAI. Gần đây, hãng General Dynamics đã hỗ trợ Hàn Quốc nâng cấp đội xe tăng này lên 1.500 chiếc. Quân đội Hàn Quốc cũng dự định mua thêm 397 xe tăng Báo Đen K2, hiện đang do hãng Hyundai chế tạo.

Vì sao TQ ồ ạt sắm 8000 xe tăng chủ lực? - 2
Xe tăng Báo Đen K2 của quân đội Hàn Quốc

 

Một loạt các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác cũng có cùng xu thế tăng cường lực lượng xe tăng của mình: Indonesia sẽ nhận lô 104 xe tăng Leopard 2A6 của Đức vào năm 2016, Bangladesh đã đặt hàng sắm 44 tăng MBT-2000 của Trung Quốc.

Thái Lan cũng sẽ trang bị thêm 200 xe tăng chủ lực trong những năm sắp tới, còn Pakistan thì lên kế hoạch tăng gấp đôi lực lượng xe tăng chủ lực của mình lên 600 chiếc trong tương lai gần.

Đài Loan cũng đang dự định thay thế lực lượng xe tăng già cỗi của mình và có thể sẽ mua nhiều xe tăng hiện đại MIA1 Abram của Mỹ. Các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Malaysia, Việt Nam cũng đang dần dần nâng cấp sức mạnh cho lực lượng xe tăng của mình.

Xu thế chung của các quốc gia trong khu vực châu Á thể hiện một điều rằng xe tăng chiến đấu chủ lực vẫn sẽ là một thứ vũ khí quan trọng của quân đội các nước trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều này có vẻ lại trái ngược với xu thế của quân đội các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Hồi năm ngoái, tờ Washington Post của Mỹ đã cho rằng thời đại của xe tăng trên chiến trường đã gần như chấm dứt, khi việc sản xuất những chiếc xe tăng chủ lực có uy lực lớn nhưng cồng kềnh và nặng nề là không còn cần thiết với quân đội Mỹ.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng trong tác chiến hiện đại, lực lượng quân sự cần phải được triển khai nhanh chóng và phát huy hỏa lực ở tầm rất xa. Bởi vậy, tàu ngầm và các loại máy bay ném bom tầm xa là những thứ vũ khí cần thiết, chứ không phải là xe tăng. Ngoài ra, những vũ khí như máy bay không người lái vốn rất linh hoạt và cơ động mới là tương lai của chiến trường.

Dập tắt căng thẳng cục bộ

Trong một bài viết đăng trên tờ The Diplomat, chuyên gia phân tích quân sự Ankit Panda đã lý giải sự khác nhau trong xu thế phát triển lực lượng xe tăng giữa quân đội các nước châu Á và Mỹ.

Theo ông Panda, các nước châu Á vẫn không ngừng phát triển lực lượng xe tăng chủ lực của mình, với tổng số xe tăng của Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại là gần 10.000 chiếc, cho thấy xe tăng thực sự vẫn là một vũ khí hữu hiệu để dập tắt tình hình căng thẳng và là một lực lượng chiến lược để đối phó với nguy cơ bùn nổ xung đột, đặc biệt là giữa các quốc gia hạt nhân.

Vì sao TQ ồ ạt sắm 8000 xe tăng chủ lực? - 3
Xe tăng vẫn được coi là công cụ hữu hiệu để dập tắt căng thẳng cục bộ. Ảnh minh họa

 

Ngoài ra, các quốc gia châu Á cũng có thể dễ dàng điều chỉnh và khắc phục các điểm yếu của xe tăng chủ lực trên các chiến trường tương lai, biến chúng thành một lực lượng hủy diệt đáng kể.

Xe tăng là một cỗ máy chiến tranh đa dụng, có thể yểm trợ hỏa lực hạng nặng trực tiếp cho bộ binh, cho phép các binh sĩ có thể kiểm soát được lãnh thổ trong khi tấn công hoặc đẩy lùi quân địch trong khi phòng ngự.

Viễn cảnh một lực lượng xe tăng hùng hậu rầm rập tiến vào sẽ ngăn chặn những “cái đầu nóng” muốn leo thang tình hình đến mức nguy hiểm hơn trong một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hạt nhân trong khu vực.

Mặc dù hầu hết các điểm nóng ở khu vực châu Á hiện nay là trên biển và các quần đảo, tuy nhiên xe tăng vẫn là một lực lượng tác chiến thông thường chủ yếu trên chiến trường. Trong quá khứ, cả Pakistan và Trung Quốc đều đã sử dụng xe tăng như một công cụ gây áp lực đáng kể đối với Ấn Độ, ngay cả trên những địa hình không thuận lợi như trên đỉnh Himalaya.

Còn đối với các quốc gia nhỏ hơn, chuyên gia Panda cho rằng việc phát triển lực lượng xe tăng hùng hậu sẽ tạo cảm giác “yên tâm” hơn về an ninh và quốc phòng. Ngay cả các quốc gia chú trọng phát triển hải quân như Nhật Bản và Indonesia cũng không ngừng mua sắm xe tăng để tăng cường khả năng tác chiến trên bộ. Bangladesh cũng mua một lượng lớn xe tăng của Trung Quốc với lý do tương tự.

Không một nước nào trong số các quốc gia trên sẽ sử dụng những chiếc xe tăng mới mua vào mục đích viễn chinh, hay thậm chí là chống lại một kẻ xâm lược. Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này lại đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì an ninh trong nước.

Nhiều quốc gia châu Á khi mua sắm những chiếc xe tăng này không muốn điểm yếu của chúng bị khai thác trên chiến trường nên đã triển khai các đơn vị phòng không, trinh sát và bộ binh để hỗ trợ cho các đơn vị tăng thiết giáp.

Mặc dù có lớp giáp rất dày, nhưng xe tăng chủ lực dù là hạng nhẹ, hạng nặng hay siêu nặng cũng đều là những cỗ máy dễ bị tổn thương. Kinh nghiệm chiến đấu của Mỹ ở Iraq giữa thập niên 2000 cho thấy xe tăng có thể trở thành mồi ngon của những quả mìn hoặc bom tự chế cài ven đường.

Kết quả là, những quốc gia có nguy cơ phải đối mặt với chiến tranh nổi dậy, chiến tranh du kích, chẳng hạn như Israel, đều giảm thiểu lượng xe tăng chủ lực của mình, thay vào đó là những chiếc xe tăng có số lượng ít hơn nhưng hiện đại hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN