Vì sao TQ cử "bà đầm thép" tới Đối thoại Shangri-La?

Việc bà Phó Oánh tham dự hội nghị chứng tỏ TQ sẽ tiếp tục tìm cách lý sự cùn khi bị các nước lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược của họ.

Hai ngày trước đây, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh việc hạn chế sử dụng lực lượng quân sự ở nước ngoài có nguy cơ gây ra một hậu quả không lường trước được: đó là các quốc gia châu Á đang ngày càng mất niềm tin vào khả năng giải quyết các tranh chấp giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc.

Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhận lãnh sứ mệnh quan trọng, đó là dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 diễn ra ở Singapore trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động vô cùng ngang ngược và hung hăng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tối nay, Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ có một bài phát biểu quan trọng lên án các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhật Bản là một đồng minh thân cận với Mỹ ở châu Á, và Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Tuy nhiên trong một bài phát biểu hôm 28/5, Tổng thống Obama lại nói rằng không phải bất cứ vấn đề nào “cũng có giải pháp quân sự”.

Vì sao TQ cử "bà đầm thép" tới Đối thoại Shangri-La? - 1

Thủ tướng Abe sẽ "điểm mặt chỉ tên" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Trong khi đó, Trung Quốc lại cử bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao dẫn đầu một đoàn sĩ quan quân đội Trung Quốc tới tham dự Đối thoại Shangri-La lần này. Được mệnh danh là “bà đầm thép”, bà Phó Oánh là người nổi tiếng giỏi ngụy biện và phản bác, và động thái này của Trung Quốc được coi là sự chống đỡ đối với những chỉ trích mạnh mẽ của các thành viên tham dự hội nghị.

Bà Glaser thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Thông thường họ sẽ cử một phó tổng tham mưu trưởng quân đội tham dự Đối thoại Shangri-La. Lần này họ cử Phó Oánh đi là một động thái bất thường, bởi bà này nổi tiếng là cứng rắn.”

Theo các chuyên gia, với sự tham gia của bà Phó Oánh, đoàn Trung Quốc chắc chắn sẽ có những giọng điệu phản bác lại bài phát biểu của ông Abe bằng những lý sự “cùn” mà Trung Quốc bấy lâu nay vẫn rêu rao trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế.

Vì sao TQ cử "bà đầm thép" tới Đối thoại Shangri-La? - 2

Bà Phó Oánh nổi tiếng là người hay cãi lý và cứng rắn

Hôm 28/2, Thủ tướng Abe đã gọi những hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông là “cực kỳ nguy hiểm”, và ông sẽ tìm cách tạo dựng ảnh hưởng của Nhật Bản ở châu Á bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại và cung cấp tàu tuần tra với các quốc gia trong khu vực.

Vụ chiến đấu cơ Trung Quốc vờn sát máy bay quân sự Nhật Bản và tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên biển thể hiện một điều rằng Trung Quốc đang muốn gây sức ép dữ dội hơn nữa lên 2 đồng minh trong khu vực của Mỹ là Nhật Bản và Philippines nhằm thách thức chính sách “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama.

Trong bối cảnh đó, ông Daniel Sneider, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương ở Đại học Stanford (Mỹ) nhận định: “Đoàn đại biểu Mỹ sẽ gặp sức ép rất lớn trong việc chứng minh với các nước châu Á rằng họ sẽ thực hiện lời cảnh cáo đối với hành động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc như thế nào.”

Ông nói tiếp: “Họ cũng có thể đặt ra câu hỏi, liệu các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông có là mối đe dọa đối với Mỹ hay không, và Mỹ sẽ làm gì để đối phó với các hành động đó.”

Vì sao TQ cử "bà đầm thép" tới Đối thoại Shangri-La? - 3

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12

Hồi tháng Tư, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel tới thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ “thỏa hiệp và nhượng bộ” trong các tranh chấp với Nhật Bản và Philippines.

Trong một buổi họp báo cùng ông Hagel, tướng Thường Vạn Toàn còn khẳng định rằng “Trung Quốc không thể bị kiềm chế” và quân đội Trung Quốc luôn sẵn sàng tham chiến để giành thắng lợi.

Tuy nhiên, Mỹ luôn khẳng định rằng họ có “lợi ích lớn” trong việc giữ gìn an ninh và tự do hàng hải trong khu vực, và ông Hagel nhấn mạnh rằng ông dự định sẽ thảo luận vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc “đang thò tay vào” bằng “những thuật ngữ nhất định”.

Theo ông Richard Bitzinger tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, Mỹ có thể đối phó với tình hình bằng cách triển khai thêm lực lượng tới khu vực, chẳng hạn như điều thêm tàu sân bay tới đây. Tuy nhiên, ông Bitzinger nhận định: “Trung Quốc sẽ phải làm điều gì đó ghê tởm hơn nữa thì Mỹ mới can thiệp bằng quân sự. Còn bây giờ, Mỹ sẽ muốn chơi đẹp khi bàn về vấn đề an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương tại hội nghị này.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg, FoxNews) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN