Vì sao TP HCM đề xuất rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 AstraZeneca?
Sở Y tế TP HCM cho rằng việc rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vắc-xin AstraZeneca từ tối thiểu 8 tuần xuống 6 tuần là nhằm nhanh chóng phủ mũi 2 cho người dân TP, đáp ứng miễn dịch để mau chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 16-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, cho biết tính đến 18 giờ ngày 15-9, có 315.623 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 315.147 ca nhiễm trong cộng đồng, 476 người nhập cảnh.
Buổi họp báo chiều 16-9
Hiện TP HCM điều trị 41.297 bệnh nhân; trong đó có 2.967 trẻ dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 người phải can thiệp ECMO. Trong ngày 15-9, thêm 2.507 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số người điều trị khỏi lên 161.007; 160 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 12.768 người.
Về tiêm vắc-xin, đến ngày 15-9, TP HCM đã tiêm 8.452.609 mũi, trong đó có 6.667.018 mũi 1, 1.785.591 mũi 2. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 969.451.
Tại buổi họp báo, lý giải về việc đề xuất Bộ Y tế rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vắc-xin AstraZeneca từ tối thiểu 8 tuần xuống còn 6 tuần, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết mỗi loại vắc-xin có khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 khác nhau. Đối với vắc-xin AstraZeneca, thời gian tiêm mũi 1 cách mũi 2 là 8-12 tuần (các loại vắc-xin khác từ 3-4 tuần).
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Thời gian qua, TP HCM đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần. Trước đây, thời gian đầu triển khai tiêm vắc-xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM áp dụng theo cách này cũng rất hiệu quả.
"Đề xuất này với mục đích nhanh chóng phủ mũi 2 cho người dân TP HCM đáp ứng miễn dịch để mau chóng kiểm soát dịch" - bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Giải thích nguyên nhân về việc giãn cách thời gian dài nhưng số ca nhiễm tại TP HCM vẫn tăng, bác sĩ Nam cho rằng TP áp dụng thần tốc xét nghiệm, nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã làm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng xét nghiệm. Do xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến việc ghi nhận số ca tiếp tục tăng. Dù vậy, những ngày qua, số ca chỉ dao động trong khoảng 4.000-6.000 mỗi ngày.
Sau khi xét nghiệm, Sở Y tế TP HCM nhận thấy tỉ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 23-8 đến ngày 27-8, tỉ lệ dương tính ở "vùng đỏ", "vùng cam" là 3,6% nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. Kết quả này cho thấy dù số tuyệt đối lớn nhưng tỉ lệ giảm rất đảng kể.
Theo bác sĩ Nam, thời gian tới, TP HCM vẫn rà soát, làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.
Về vấn đề một số địa phương đưa nước chanh sả, xuyên tâm liên và dược liệu vào điều trị F0, theo bác sĩ Nam, Sở Y tế TP HCM hoan nghênh việc tìm tòi biện pháp điều trị sao cho người bệnh mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phải áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc chăm sóc người bệnh.
Người dân "vùng xanh" đi chợ bảo đảm đã tiêm 1 mũi vắc-xin Tại buổi họp báo nêu trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết theo kế hoạch, 51.206 hộ "vùng xanh" thuộc 452 tổ dân phố trên địa bàn 10 phường của quận 7 sẽ bắt đầu luân phiên đi chợ. Mỗi gia đình sẽ được phát 1 phiếu đi chợ mỗi tuần 1 lần. Người đi chợ bảo đảm đã tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi, thực hiện 5K và đi trong địa bàn phường. Phiếu quy định có thời gian để bảo đảm giãn cách, tránh tụ tập đông người. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, thông tin tại buổi họp báo Về ngày đầu tiên shipper được giao hàng liên quận, ông Phương cho biết số lượng đăng ký tăng rất nhiều. Hiện nay, hơn 30.000 shipper đã tiêm mũi 1, đủ thời gian tham gia hoạt động theo đúng quy định. Số này sẽ được phép đăng ký. Theo thống kê, tổng số shipper đăng ký hoạt động với 33 doanh nghiệp trên địa khoảng 160.000 người, cao hơn nhiều so vớ dự kiến. Ông Phương đánh giá hoạt động của shipper trong ngày 16-9 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do di chuyển liên quận mất nhiều thời gian; việc tìm kiếm lộ trình qua ứng dụng không còn chính xác do có các chốt, rào chắn. Theo ông Phương, ngoài điểm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động trở lại từ 7-9, dự kiến điểm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Thủ Đức hoạt động lại từ 0 giờ ngày 17-9 và chợ đầu mối Hóc Môn từ 0 giờ ngày 19-9. Về tốc độ giao hàng của hệ thống phân phối, theo ông Phương, Citimart, Vinmart, Co.op Mart đều giao trong ngày; Bách Hóa Xanh, Mega là 48 giờ; EON từ 48 - 72 giờ. Riêng Co.op Mart, giai đoạn cao điểm đơn vị này giao hàng trong 48 giờ, nhưng hiện rút xuống còn 6 giờ. Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết TP đã triển khai 10 ngày học tập trực tuyến. Ngành giáo dục thống kê có trên 75.000 trường hợp học sinh gặp trở ngại về thiết bị, đường truyền, điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường. Sau 1 tuần khắc phục, đến nay vẫn còn 40.000 trường hợp khó khăn trong học tập. Về vấn đề 100.000 học sinh tại TP HCM về quê tránh dịch, học trực tuyến nhưng không hiệu quả, ông Dũng nói học sinh thuộc trường hợp này có thể liên hệ với đơn vị sở tại để được học trực tiếp, hoặc online với trường học tại TP HCM. Tùy tình hình dịch bệnh của TP HCM và các tỉnh, khi điều kiện cho phép, ngành giáo dục TP sẵn sàng tiếp nhận các học sinh này. |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc-xin ngừa Covid-19, Sở Y tế TP HCM đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến về...
Nguồn: [Link nguồn]