Vì sao TP.HCM càng chống càng ngập nặng?

Sự kiện: Tin ngắn

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho hệ thống chống ngập, nhưng TP.HCM càng chống lại càng ngập. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dù có “siêu máy bơm” vẫn bị ngập nặng vào đầu tháng 6/2020

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dù có “siêu máy bơm” vẫn bị ngập nặng vào đầu tháng 6/2020

“Sài Gòn chỉ còn 1 điểm ngập”

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ đầu mùa mưa đến nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh có ít nhất 5 trận ngập lớn. Dù thành phố đã thuê “siêu máy bơm“ nhưng chỉ cần mưa 30 phút là ngập nặng. Trận mưa gần nhất ngày 3/6 khiến nhiều xe gắn máy bị ngập hơn nửa bánh xe.

Những trận mưa đầu mùa cũng khiến tuyến đường Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân quanh chợ Thủ Đức ngập nặng. Ông Trần Văn Chiến, một thợ sửa xe trên đường Kha Vạn Cân cho biết đã sống ở đây 20 năm, từ trước đến nay khu vực này không bao giờ ngập bởi đây là vùng đồi, dốc.

“Mấy năm gần đây nhà mọc san sát, nhà nào cũng thiết kế cho nước đổ ra ngoài đường khiến nước thoát không kịp. Đường cao, dốc khiến nước chảy rất mạnh, có lúc xe bị cuốn đi giữa dòng”, ông Chiến kể.

Thời gian qua, có một câu nói được nhắc đến rất nhiều, đó là: “Sài Gòn chỉ còn 1 điểm ngập”. Mới nghe thì tưởng như là thành tích trong công tác chống ngập của TP.HCM, nhưng thực tế đó là một câu nói đầy mỉa mai. Trước đây, có thể kể ra nhiều điểm ngập rải rác, nhưng hiện nay chỉ còn 1 điểm ngập là “toàn thành phố”, bất cứ nơi đâu cũng có thể ngập nặng khi mưa.

Quy hoạch thoát nước gấp 3 lần, liệu có hết ngập?

Trước thực trạng ngập có dấu hiệu gia tăng, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch này, quy mô thoát nước sẽ được mở rộng gấp 3 lần so với quy hoạch được duyệt từ năm 2001. Cụ thể, thành phố sẽ mở rộng phạm vi chống ngập ở 23 quận, huyện (trừ Cần Giờ) thay vì chỉ tập trung vào khu vực 650km2 (chiếm 32% diện tích thành phố) ở nội thành và vùng lân cận như quy hoạch thoát nước cách đây gần 20 năm.

Ông Phan Thanh Tuấn, Phó giám đốc Ban Điều hành dự án 5, Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (đơn vị chủ trì đồ án quy hoạch) cho biết, mục tiêu của đồ án quy hoạch mới đưa hệ thống thoát nước thành phố gắn liền với các vấn đề tự nhiên, xã hội; quy hoạch ở các quận, huyện phải gắn quy hoạch chung, tránh việc bê tông tràn lan, thu hẹp dòng chảy. Ngoài ra, sẽ xây dựng cơ chế quản lý hệ thống thoát nước trên sông, kênh, rạch, hồ điều tiết... luôn thông thoáng, giúp thoát nước.

Tư vấn SWECO (Đan Mạch) và NIHON SUIDO (Nhật Bản) là liên doanh thực hiện đồ án quy hoạch thoát nước. Cuối tháng 9 sẽ hoàn chỉnh, trình Ban Điều hành dự án 5 để lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia, cộng đồng dân cư. Sau đó, UBND thành phố trình Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng phê duyệt.

Dù đồng tình với việc mở rộng quy hoạch trên, nhưng PGS. TS. Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, quy hoạch thoát nước phải đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường - sinh thái. Để chống ngập một cách bền vững, các khu dân cư, đặc biệt là những khu dân cư xây dựng mới đòi hỏi phải có không gian trữ nước, thoát nước mưa.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng dẫn chứng về Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng ngay giữa vùng đất thấp trũng quận 7 nhưng không hề bị ngập, trong khi các tuyến đường quanh đó như Huỳnh Tấn Phát, khu dân cư Nam Long bị ngập nặng. Theo lý giải của ông Sơn, khu đô thị này được thiết kế bài bản, quá trình xây dựng tuân thủ theo quy hoạch, có không gian cho cây xanh và nước. Vì vậy, khi mưa xuống là nước có đường để thoát, không gây ngập.

“Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh hai bên là các khu dân cư cao tầng vừa mới xây dựng, nền đất rất cao, toàn bộ nước khi mưa đổ thẳng ra đường. Vì vậy, dù thành phố có bỏ ra gần 500 tỷ đồng để nâng đường thay cống cũng chưa dám khẳng định liệu có hết ngập hay không”, KTS. Sơn nói.

Muốn hết ngập phải tìm ra nguyên căn, bởi hiện nay không chỉ các vùng thấp trũng mới bị ngập mà ngay cả khu vực quận 9, Thủ Đức là những nơi trên cao vẫn ngập nặng. Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, nguyên nhân do việc phát triển đô thị một cách tự phát, bê tông hóa quá nhiều, không có không gian dành cho nước, cây xanh. Do đó, mỗi lần có mưa, nước không biết thoát đi đâu mà chỉ đổ ra đường. Các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chạy theo, thấy đường nào ngập là nâng đường, thay cống mới nhưng chục năm sau lại ngập. Chống ngập không thể tách ra từng giải pháp riêng mà gắn với quy hoạch tổng thể đô thị, từ chống ngập, kẹt xe, mật độ dân cư, tỷ lệ xây dựng, không gian cho cây xanh, nước…

“Cần có một lãnh đạo thành phố, ít nhất cũng là Phó chủ tịch UBND thành phố đứng ra làm nhạc trưởng cho vấn đề quy hoạch phát triển đô thị nói chung, bao gồm cả chống ngập, kẹt xe, quản lý xây dựng đô thị, mật độ dân cư… Khi có quy hoạch tốt, phải thực hiện phát triển theo đúng quy hoạch, lúc đó mới giải quyết vấn đề ngập nước, kẹt xe một bền vững”, ông Sơn nói.

Dự án chống ngập liên tục lùi tiến độ

Dự án chống ngập do triều cường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được quy hoạch từ 2008, nhưng đến 2016 mới khởi công xây dựng. Dự kiến đến tháng 4/2018 hoàn thành nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ hoàn thành gần 80% khối lượng. Chủ đầu tư cho biết, tháng 10/2020 sẽ hoàn thành.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường nước TP HCM, lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phê duyệt vào năm 2006. Mãi đến năm 2015 mới khởi công được gói thầu đầu tiên. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên tiến độ vẫn còn khá chậm. Đến nay, các nhà thầu vẫn đang thi công hệ thống cống dọc đường Võ Văn Kiệt, bến Vân Đồn, rạch Hàng Bàng… Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông vẫn khẳng định cuối năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, lúc đó việc chống ngập sẽ được cải thiện.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM), tổng cộng kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 25.998 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP HCM là 7.047 tỉ đồng; các dự án theo hình thức PPP là 9.927 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lắp cửa van cống đầu tiên dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TPHCM

Ngày 23/6, Tập đoàn Trung Nam (nhà đầu tư), Công ty Trung Nam 1547 và các nhà thầu thi công dự án “Kiểm soát ngập do triều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Tư ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN