Vì sao TPHCM âm u, chìm trong mờ sương từ sáng đến chiều?

Sự kiện: Tin nóng

Chuyên gia thời tiết cho biết, TPHCM âm u, mờ sương từ sáng đến chiều không phải là hiện tượng bất thường nhưng việc này ảnh hưởng đến lưu thông của người dân, nhất là khi di chuyển trên cao tốc.

Sài Gòn mát mẻ như mùa thu Hà Nội

3 ngày trở lại đây, nhiệt độ tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ giảm nhẹ khiến khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, từ sáng đến chiều, bầu trời âm u, nhiều toà nhà cao tầng khuất trong sương mù, một số người dân khi ra đường phải mang áo ấm.

Theo số liệu từ cơ quan khí tượng, nhiệt độ tại trung tâm TPHCM sáng nay (19/11) thấp nhất là 23,5 độ C. Nhiệt độ ghi nhận tại trạm Nhà Bè lúc 4h là 24 độ C, trạm Vũng Tàu là 27 độ C.

Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác, nhiệt độ lúc rạng sáng ở mức từ 22 - 24 độ C. Các trạm của Đồng Nai như Long Khánh (22 độ C), Biên Hòa (24 độ C), Tà Lài (22 độ C), Trị An (24 độ C). Trạm Sở Sao (Bình Dương) ghi nhận 24 độ C.

Người dân di chuyển trong thời tiết mờ sương trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê.

Người dân di chuyển trong thời tiết mờ sương trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê.

Trả lời PV Báo Tiền Phong, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết, những ngày qua, hệ thống thời tiết tác động lên nước ta gồm: Áp cao lục địa được tăng cường xuống khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ hướng lấn Tây. Ở vùng biển ngoài khơi phía Nam, gió Đông Bắc có xu hướng tăng.

Những tác động trên khiến cho nền nhiệt ở các tỉnh phía Bắc giảm, khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ mưa to đến rất to. Ở TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ, nhiệt độ chưa giảm sâu do cường độ không khí lạnh chưa mạnh. Tuy nhiên, hệ thống áp cao cận trên tầng cao lấn Tây, đẩy luồng ẩm theo rìa Tây Nam đi vào đất liền, kết hợp ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa làm cho bầu trời các tỉnh Nam Bộ ban ngày nhiều mây.

“Trong điều kiện này, vào ban ngày, TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ trời nhiều mây nên nắng sẽ yếu, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ không khí tăng chậm theo thời gian dần về trưa. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành mù hoặc sương mù. Đây là hiện tượng thời tiết thường xuất hiện vào cuối năm tại khu vực này”, ông Quyết nói.

TPHCM và các tỉnh Nam Bộ thời điểm cuối năm thường xuất hiện hiện tượng mù, có ngày có cả sương mù. Ảnh: Nhàn Lê.

TPHCM và các tỉnh Nam Bộ thời điểm cuối năm thường xuất hiện hiện tượng mù, có ngày có cả sương mù. Ảnh: Nhàn Lê.

Ông Quyết lý giải thêm, sương mù được định nghĩa là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km. Trong khí tượng, hiện tượng mù và sương mù gần giống nhau, chỉ khác mù tầm nhìn xa hơn.

Tầm nhìn bị hạn chế do sương mù

Về vấn đề sương mù có mang các chất ô nhiễm không khí, làm tổn hại đến sức khỏe người dân, ông Quyết nhìn nhận đây là hiện tượng khí tượng, cơ chế vật lý gây nên khi có đủ điều kiện hình thành, chứ không phải là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. Sương mù làm giảm tầm nhìn nên dễ gây tai nạn cho giao thông hàng không, đường thủy và đường bộ.

Nhiều tòa nhà cao tầng "chìm" sau màn sương mờ. Ảnh: Nhàn Lê

Nhiều tòa nhà cao tầng "chìm" sau màn sương mờ. Ảnh: Nhàn Lê

“Trên các tuyến đường cao tốc, xe lưu thông với tốc độ cao, khi tầm nhìn ngang bị hạn chế, nếu có vật cản ở phía trước sẽ khó phát hiện từ xa, rất dễ gây tai nạn. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm luật giao thông (bật đèn sương mù), đi đúng tốc độ, đúng phần đường để đảm bảo an toàn”, ông Quyết bày tỏ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo hôm nay thời tiết Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2 - 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất tại miền Đông khoảng 20 - 23 độ C, miền Tây khoảng 23 - 25 độ C, cao nhất 30 - 33 độ C.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, Nam Bộ sẽ còn những đợt thời tiết nhiệt độ giảm sâu hơn khi các đợt không khí lạnh càng về cuối năm càng mạnh.

Đỉnh triều cường tại TPHCM có thể xuất hiện vào chiều nay

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong ngày 18/11, mực nước tại hầu hết trạm đo tại vùng hạ lưu sông hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao.

Mực nước đỉnh triều cao nhất thực đo tại một vài trạm ở TPHCM trong ngày 18/11 là: trạm Nhà Bè cao 1,6m và trạm Phú An cao 1,61m đều xấp xỉ mức báo động 2.

Dự báo mực nước tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có thể xuống nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc trên mức báo động 1, có khả năng duy trì đến hết ngày 19/11.

Đây là kỳ triều cường đầu tháng 10 Âm lịch. Trước đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 14 - 15/11. Tuy nhiên diễn biến triều cường đã kéo dài nhiều ngày hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

TP.HCM chìm trong sương mù, khung cảnh tựa như Đà Lạt

Từ sáng sớm nay, nhiều tuyến đường, con hẻm, cao ốc ở TP.HCM chìm trong sương mù.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Lê ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN