Vì sao thủy điện xả lũ khi dân đang ngủ?
Trận lũ lụt rạng sáng 27/9 ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An gây thiệt hại hơn 177 tỷ đồng. Lũ lụt là do mưa lớn kéo dài, nhưng nước lên nhanh còn có thể do các nhà máy thủy điện xả lũ.
Kiến nghị xem xét quy trình xả lũ
Đã nửa tháng sau khi mưa lụt đi qua, nhưng ngôi nhà của bà Trần Thị Hòa (trú khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vẫn in hằn vết tích của trận lũ rạng sáng 27/9. “Khoảng 1 giờ sáng ngày 27/9, nước bắt đầu tràn vào sân. Nước chảy như thác đổ, dâng rất nhanh. Chỉ 30 phút sau, nước đã dâng lên nửa bức tường nhà. Đến khoảng 4 giờ sáng, nước đã dâng tận nóc. Chúng tôi phải dỡ mái ngói cầu cứu. Sau gần một giờ đồng hồ, với sự giúp sức của lực lượng công an, vợ chồng tôi mới an toàn. Nếu chậm ít phút thì chúng tôi đã bị lũ cuốn trôi”, bà Hòa kể.
Theo bà Hòa, đây là đợt mưa lũ lịch sử trong hơn 15 năm qua ở địa phương. Mọi đồ đạc trong nhà đều bị lũ cuốn trôi. “Đây là trận lũ lịch sử, vượt trận lũ năm 2009. Nguyên nhân gây lũ lụt rõ ràng là do mưa lớn, nhưng nước lên nhanh còn có thể do nguyên nhân các nhà máy thủy điện xả lũ. Thủy điện thông báo xả lũ lúc 2 - 3 giờ sáng, sau đó lại vận hành xả lũ trước thời gian quy định, người dân làm sao trở tay kịp”, bà Hòa nói.
Đợt mưa lũ vừa qua ở huyện Quỳ Châu xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được 310mm, lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn. Đồng thời các nhà máy thủy điện như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xả lũ với lưu lượng 2.000 - 2.500m3/s. Ngoài một người chết do lũ cuốn trôi, mưa lũ làm gần 1.400 nhà/30 khối, bản ngập lụt. Hơn 5.000 người phải đi sơ tán đến nơi an toàn. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện lực cũng như cơ sở giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp của người dân bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại rất lớn, so với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Quỳ Châu.
Nghệ An có 32 dự án được phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện với tổng công suất 1.378,9MW và hiện có 21 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 930,9MW. Các dự án nhà máy thủy điện hằng năm phát điện với sản lượng trung bình gần 3 tỷ kWh, đóng góp ngân sách cho tỉnh gần 600 tỷ đồng/năm. |
Ông Lê Hải Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho hay, huyện đã có báo cáo thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, trong đó đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện ngày 27/9. Các thủy điện đều thực hiện xả lũ với lưu lượng lớn nhưng chỉ thủy điện Châu Thắng có thông báo gửi huyện để có phương án cũng như thông báo tới nhân dân. Các nhà máy thủy điện khác chỉ thông báo về cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh cũng như Chi cục Thủy lợi. Khi huyện nhận được thông báo thì lũ lớn đã ùa về gây ngập lụt. Nhân dân và địa phương kiến nghị tỉnh có đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học về nguyên nhân, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa.
Huyện Quỳ Châu, Nghệ An chìm trong biển nước ngày 27/9.
“Trận lũ lụt năm nay vượt xa những dự tính, nước dâng rất nhanh, dẫn đến bị bất ngờ. Về nguyên nhân, chúng ta có thể nhìn nhận do tính bất thường của thời tiết, nhưng một số người suy nghĩ theo hướng có thể do thủy điện xả lũ. Hiện huyện cũng đang chờ kết luận kiểm tra của Sở Công Thương. Khi có kết luận cuối cùng, trách nhiệm sẽ rõ là của ai, từ đó để có giải pháp bền vững. Trường hợp ngập lụt thì hỗ trợ cho dân như thế nào. Cũng có trường hợp cần xem xét di dời, chuyển chỗ ở. Huyện mong muốn có giải pháp ổn định, lâu dài. Nhà máy thì vẫn phải hoạt động nhưng làm sao để hài hòa giữa nhà máy và người dân”, ông Lý nói.
Có trách nhiệm của thủy điện
Nhà máy thủy điện Châu Thắng.
Từ ngày 26/9-27/9, Công ty Cổ phần Prime Quế Phong liên tục có 3 thông báo vận hành xả lũ hồ chứa Thủy điện Châu Thắng. Vào lúc 23 giờ 42 phút ngày 26/9, Công ty Cổ phần Prime Quế Phong phát Thông báo số 67/TB-PQP gửi đến các cơ quan chức năng, báo cáo vận hành xả lũ lúc 4 giờ sáng ngày 27/9 với lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s. Thế nhưng, đến 2 giờ 38 phút ngày 27/9 lại có Thông báo số 68/TB-PQP nêu việc thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp nên thực hiện xả lúc 2 giờ 35 phút với lưu lượng xả từ 76m3/s đến 1.200 m3/s. Đến 6 giờ 56 phút ngày 27/9, đơn vị tiếp tục có Thông báo số 69/TB-PQP dự kiến đến 8 giờ 30 phút tăng mức xả về hạ du lên đến 2.500m3/s.
Ngày 27/9, Công ty Cổ phần Za Hưng có thông báo số 2709/2023/TB-NMNH về việc vận hành điều tiết hồ chứa Nhà máy Thủy điện Nhạn Hạc. Thời gian dự kiến xả tăng cường lúc 5 giờ 30 phút ngày 27/9 với lưu lượng từ 500m3/s đến 1.100m3/s. Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, thông báo số 2709/2023/TB-NMNH được Công ty Cổ phần Za Hưng gửi đến Văn phòng lúc 2 giờ 10 phút. “Theo quy định, thông báo vận hành xả lũ phải được ban hành trước khi thực hiện xả lũ ít nhất 4 giờ đồng hồ”, cán bộ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An nói.
Về nguyên nhân tăng lưu lượng xả lũ trong đêm, ông Hồ Ngọc Thiết, Giám đốc Công ty Cổ phần Prime Quế Phong, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Châu Thắng, giải thích: “Theo kế hoạch ban đầu lúc 23 giờ 30 phút tối 26/9, thủy điện có thông báo dự kiến xả lũ lúc 4 giờ sáng 27/9 với lưu lượng 450m3/s. Tuy nhiên, lúc 2 giờ sáng 27/9, thủy điện Nhạn Hạc phía trên thông báo xả lũ 1.100m3/s. Tình huống lúc đó bất ngờ, bất khả kháng nên buộc chúng tôi phải thông báo khẩn cấp, xin xả 1.200m3/s”.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An, cho rằng, đơn vị cũng chỉ nhận thông báo xả lũ từ các thủy điện, sau đó phát thông báo này lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài địa phương. Còn nội dung thông báo cho huyện, thị là trách nhiệm của nhà máy thủy điện - đơn vị trực tiếp vận hành liên hồ chứa, thực hiện trước khi xả lũ.
Liên quan đến sự việc, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, cho biết, ngày 13/10, Sở đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc. Đoàn kiểm tra gồm các thành viên thuộc Sở Công Thương và Chi cục Thủy lợi. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương, được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn. Nhiệm vụ của đoàn là tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ, quy trình vận hành đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc. Thời gian kiểm tra là 5 ngày.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu giám định nguyên nhân vỡ tường đập thủy điện Ia Glae 2 và thành lập hội đồng đánh giá sự cố. Từ 10 năm trước, dự án này từng bị thu hồi.
Nguồn: [Link nguồn]