Vì sao thị trường lao động ổn định, người rút BHXH một lần vẫn tăng?
Dù thị trường lao động quay lại xu hướng bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19, nhưng số người rút BHXH một lần vẫn tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm 2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động cũng tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế.
Từ số liệu trên, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, nhận định thị trường lao động đã quay lại xu hướng bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19.
Trái ngược với thị trường lao động đang khởi sắc, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay có gần 595.000 người chọn rút BHXH một lần, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều người lao động chọn rút BHXH một lần để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt. (Ảnh minh họa: V.LONG)
Trả lời báo PLO về vấn đề trên, ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho rằng người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc họ chịu áp lực công việc, nhảy việc nhiều…
Nhóm tuổi rút BHXH một lần chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40, chiếm khoảng 78%.
Số lao động rút BHXH tăng song số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
“Nguyên nhân là do lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, chưa có tích luỹ, nên khi có nhu cầu về tài chính họ sẽ chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn”- ông Hiện lý giải.
Ngoài ra, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết số người rút BHXH một lần tăng còn do một số người e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Song song đó, chính sách cho người lao động thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa tạo sức hút họ ở lại với hệ thống BHXH.
Thêm vào đó, chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp, có ít địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương. Từ năm 2022, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng cũng khiến người lao động khó khăn hơn khi tham gia BHXH tự nguyện do mức đóng tăng lên.
"Khi được hỏi có cân nhắc giữa hưởng lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi về già hay chọn rút BHXH một lần thì nhiều lao động vẫn chọn vế sau"- ông Hiện nói.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, đầu năm 2023 khi có thông tin về sửa luật BHXH, nhiều lao động chưa hiểu hết nên số rút BHXH một lần tăng đột biến. Tuy vậy, từ tháng 10-2023 đến nay tình trạng này đã giảm do công tác tuyên truyền tốt hơn.
“Ngoài chính sách trên, dự luật cũng đưa các quy định làm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm, nhằm giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH để hưởng lương hưu… Tuy nhiên, quy luật ra - vào hệ thống BHXH là khó tránh khỏi, bởi có người vào ắt sẽ có người ra”- ông Mạnh nói.
2 phương án BHXH một lần Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến thông qua ngày 25-6 nêu hai phương án giải quyết BHXH một lần. Cụ thể: Phương án 1, lao động tham gia trước ngày 1-7-2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Phương án 2, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh. |
Nguồn: [Link nguồn]
Gần 595.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần từ đầu năm đến nay, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn là lao động 20-40 tuổi.