Vì sao tăng giá điện?

Từ ngày 1-7, giá điện tăng thêm bình quân 65 đồng/kWh. Việc tăng giá điện như vậy giúp Tập đoàn điện lực VN tăng doanh thu bán điện sáu tháng cuối năm thêm 3.710 tỉ đồng.

Ngày 29/6, Bộ Công thương đã ban hành thông tư 17 quy định về giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2012 giá điện bình quân tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh (tăng 65 đồng/kWh, khoảng 5%).

Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang tăng từ 42-132 đồng/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất (cấp điện áp dưới 6kV đến 110kV trở lên) tăng thấp nhất 35 đồng/kWh, tăng cao nhất 121 đồng/kWh tùy theo cấp điện áp và tùy giờ cao điểm hay thấp điểm.

Vì sao tăng giá điện? - 1

Công nhân ngành điện chốt chỉ số côngtơ khách hàng trong đợt tăng giá điện trước

Như vậy với giá điện hiện hành, một hộ sử dụng 300kWh điện cho mục đích sinh hoạt mỗi tháng phải trả 467.050 đồng (100kWh x 1.242 đồng + 50kWh x 1.369 đồng + 50kWh x 1.734 đồng + 100kWh x 1.877đồng). Với mức tăng giá điện mới, mỗi tháng hộ này phải trả thêm 26.050 đồng (chưa tính thuế VAT). Tương tự, đối với hộ sử dụng 400kWh/tháng, số tiền phải trả theo giá điện hiện hành là 667.850 đồng, nhưng với mức giá mới phải trả thêm 38.950 đồng.

Vì sao tăng giá điện?

"Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay không thể không cho EVN tăng giá vì họ nói tình hình tài chính khó khăn lắm rồi. Tuy nhiên cùng với tăng giá điện, EVN cần nỗ lực hơn nữa để giảm tổn thất điện năng, bởi Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng vừa trả lời trên website Chính phủ rằng tổn thất điện năng các nước khu vực chỉ khoảng 5%, trong khi của chúng ta vẫn ở khoảng 10%".

Ông Tô Quốc Trụ (giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN)

Cùng ngày 29-6, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã ra thông cáo giải thích cho việc tăng giá điện. Theo EVN, sở dĩ giá điện phải tăng là do giá các loại than cho sản xuất điện và các chi phí đầu vào khác đều tăng. Với việc tăng giá bán điện 5%, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 dự kiến tăng thêm 3.710 tỉ đồng. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1-7 sẽ có mức độ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Để có cơ sở tính giá điện giữa hai thời điểm, thông tư của Bộ Công thương yêu cầu các công ty, tổng công ty trực tiếp bán điện trên phạm vi cả nước sẽ chốt chỉ số điện kế ngoài sinh hoạt (đối tượng sản xuất kinh doanh) vào ngày 1-7. Đối với các điện kế dùng cho mục đích sinh hoạt, do số lượng lớn nên không chốt chỉ số. Cách tính tiền điện giữa giai đoạn giá cũ và giá mới đối với điện sinh hoạt sẽ được tính toán theo phương pháp nội suy (lấy bình quân ngày sử dụng điện trong tháng rồi căn cứ vào mốc ngày 1-7 để xác định lượng điện theo giá cũ và giá mới).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số tổng công ty điện cho biết đang chuẩn bị lực lượng, phương tiện để chốt chỉ số theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (quản lý các công ty điện lực 21 tỉnh thành phía Nam), tổng số điện kế phải chốt trong ngày 1-7 là 300.000 điện kế. Riêng tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM hiện có khoảng 1,8 triệu điện kế, bao gồm cả thắp sáng sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

2009-2012: 5 lần tăng giá

Giá điện được áp dụng từ ngày 1/7/2012

Vì sao tăng giá điện? - 2

Tính cả đợt điều chỉnh lần này, từ 2009 đến nay giá điện đã tăng năm lần. Cụ thể, năm 2009 giá điện tăng 8,92%, giá điện sinh hoạt tăng theo mức giá từ 600-1.790 đồng/kWh (tùy bậc thang). Đến năm 2010 giá điện tăng 6,8%, điện sinh hoạt tăng lên trong khoảng 600-1.890 đồng/kWh Đáng lưu ý, với mức tăng giá 6,8% của năm 2010 (gần với mức tăng giá 5% lần này), Bộ Công thương khi đó tính toán việc tăng giá điện sẽ kéo giảm 0,34% GDP, làm tăng chi phí của người dân 0,19-0,27%.

Năm 2011, từ ngày 1-3 giá điện tăng 15,3%, giá điện sinh hoạt tăng lên từ 993 đồng/kWh - 1.974 đồng/kWh. Ngày 20-12-2011, giá điện tăng lần hai với mức 5%, giá bán điện sinh hoạt tăng từ 993-2.060 đồng/kWh. Đến ngày 1-7, tức hơn bảy tháng, giá điện tăng lần nữa thêm 5%.

TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Không thể nói tác động không đáng kể

Việc chọn tăng giá điện vào thời điểm này là dễ hiểu vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá giữa thời điểm doanh nghiệp đang rất khó khăn cũng chưa hẳn là hợp lý. Việc tăng giá điện làm doanh nghiệp tăng chi phí, tăng giá thành sản phẩm, trong khi doanh nghiệp khó có thể tăng giá bán, điều này khiến nhiều doanh nghiệp thêm khó khăn. Việc tăng giá điện chắc chắn cũng khiến CPI tăng, người dân vừa được hưởng giá xuống sẽ đối mặt với khả năng một số mặt hàng có thể phải tăng. Đó là chưa kể việc EVN tăng giá giữa lúc giá dầu giảm, điều này không hay chút nào.

Theo tính toán của EVN, việc tăng giá điện sẽ khiến người dân phải chi thêm một khoản tiền chỉ vài chục nghìn đồng. Theo tôi, không nên nói việc tăng này là không đáng kể. Bởi giá điện không chỉ khiến chi phí gia đình trả cho ngành điện tăng thêm, khi mua thêm giá hàng hóa hay dịch vụ nào đó người dân cũng phải chi trả tăng thêm do tăng giá điện, cộng dồn lại khó thể nói là không đáng kể với nhiều người.

Trong điều kiện tăng giá, tôi đề nghị EVN cần công khai hơn nữa cơ cấu giá thành của EVN, xem EVN đã tiết kiệm thế nào, tiền lương ra sao. Đó là những điều xã hội muốn biết mỗi khi EVN tăng giá.

Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép VN):
Bồi thêm đòn nặng vào doanh nghiệp

Tôi thật sự không hiểu vì sao lại chọn thời điểm này để tăng giá điện? Nếu nhìn vào sức mua nội địa đang có nguy cơ dẫn đến giảm phát, nhiều doanh nghiệp đang phải chống chọi vất vả với việc “giải quyết” sản phẩm tồn kho, điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn chồng chất. Trước tình hình này, việc tăng giá điện là một đòn nặng bồi tiếp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp ngành thép, giá điện hiện chiếm 6-7% giá thành sản xuất. Theo tính toán sơ bộ, để làm ra 1 tấn thép sẽ mất 600kWh, giá điện tăng sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Nếu một doanh nghiệp sản xuất bình quân 40.000 tấn thép/tháng, chi phí từ tiền điện đội lên 1,56 tỉ đồng/tháng. Trong khi các doanh nghiệp không thể tăng giá bởi sức mua quá thấp, không biết sẽ lấy gì để bù đắp vào chi phí tăng thêm này.

Ông Hồ Đức Lam (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông): Doanh nghiệp sẽ “đi” nhiều hơn

Với giá điện tăng bình quân 5%, sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp phá sản vì tất cả đều đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Trong ngành nhựa, hiện giá điện chiếm 5-7% giá thành sản xuất. Công ty chúng tôi mỗi tháng trả hơn 1 tỉ đồng tiền điện cho sản xuất, chi phí sẽ đội lên vì giá điện tăng hơn 50 triệu đồng/tháng. Nếu tính luôn cả chi phí lãi vay ngân hàng, đầu vào nguyên liệu đang ở mức cao ngất ngưởng, lợi nhuận làm ra (nếu có) của doanh nghiệp chắc chắn không đủ bù đắp chi phí. Với sức mua quá kém hiện nay, các doanh nghiệp đang chết dở sống dở với hàng tồn, việc giá điện tăng sẽ thêm điều kiện nhanh chóng kết liễu doanh nghiệp.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN VŨ NGHI ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Khải - C.V.Kình (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN