Vì sao Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương thừa tới 2 "sếp lớn"?
"Việc bổ nhiệm này là do Tỉnh uỷ điều động, quyết định chứ sở chúng tôi chỉ tiếp nhận và sắp xếp vị trí công tác", ông Tỏ cho PV biết.
Thời gian qua có thông tin cho rằng, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương thừa 2 Phó Giám đốc và vượt quá mức cho phép theo Nghị định 24/2014 của Chính phủ, sau nhiều ngày liên lạc và đặt lịch làm việc, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có câu trả lời từ người đứng đầu sở này.
Ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương xác nhận thông tin trên là đúng và cho biết: “Hiện tại, sở chúng tôi có 35 công chức, 6 phòng ban, 3 đơn vị trực thuộc và 5 Phó giám đốc gồm: ông Nghiêm Đình Huân, Phạm Văn Mạnh, Nguyễn Kim Diện, ông Phạm Đức Tuấn và ông Nguyễn Như Độ (kiêm Trưởng ban tôn giáo). Việc bổ nhiệm này là đúng quy trình và theo sự xắp xếp của Tỉnh uỷ, chứ chúng tôi không có quyền quyết định”.
Theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính Phủ, quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở nêu rõ:
“Cấp phó người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sau đây gọi chung là phó giám đốc sở), là người giúp giám đốc sở chỉ đạo một số mặt công tác… Số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được phép 4 người”. Theo Nghị định này, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương thừa 2 phó giám đốc.
Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương thừa 2 Phó giám đốc vượt quá quy định của Chính phủ. Ảnh: Đ.Tuỳ
Lý giải vấn đề trên, ông Tỏ cho hay, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và được sáp nhập nhiều bộ phận nên có thêm một số chức năng, nhiệm vụ, vì vậy cần có thêm người phụ trách lĩnh vực đó.
Theo thông tư cũ quy định thì phó giám đốc kiêm thủ trưởng đơn vị cấp dưới, đến khi có nghị định, thông tư mới sẽ chuyển tiếp nên số phó giám đốc vẫn giữ nguyên cho đến lúc người đó về hưu và không bổ nhiệm thêm. Mặt khác, do công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh, nên khi Đại hội, nhiều người hết tuổi không tái cử vào cấp ủy thì điều động về sở làm phó giám đốc.
"Trường hợp, ông Nguyễn Đức Tuấn trước là Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, vì không đủ tuổi tái cử đã được Tỉnh uỷ điều động làm phó giám đốc sở, phụ trách mảng thi đua khen thưởng. Đối với ông Nguyễn Như Độ - Phó Giám đốc sở, là theo quy định cũ nên được chuyển tiếp và kiêm chức Trưởng ban tôn giáo”, ông Tỏ cho biết.
Riêng ông Nguyễn Kim Diện, Trưởng phòng Đào tạo - Bồi dưỡng (Sở Nội vụ), được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ phó giám đốc sở từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/1/2020. Còn ông Phạm Đức Tuấn từ Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, đến nhận công tác và giữ chức vụ phó giám đốc sở từ ngày 1/2/2015, cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ quy định; đồng thời được hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,7 kể từ ngày bổ nhiệm.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương giải thích: "Trong công tác quy hoạch cán bộ, có đồng chí thuộc diện nguồn được bồi dưỡng để đưa về cơ sở. Khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương thì Nghị định 24 của Chính phủ chưa có, nhưng đến khi quyết định bổ nhiệm thì lại có sau Nghị định, cho nên mới xảy ra tình trạng trên. Bởi vì, quy trình bổ nhiệm cán bộ là lâu chứ không phải ngày một ngày hai”.
Trước câu hỏi, tại sao biết số lượng phó giám đốc thừa theo quy định của Chính phủ mà sở vẫn tiếp nhận và cấp phó được bổ nhiệm tại sở có chuyên môn công tác nội vụ hay không! ông Tỏ cho hay: "Công tác bổ nhiệm là do Tỉnh uỷ điều động dựa trên số lượng cán bộ do tỉnh quản lý và đặc thù khối lượng công việc, chứ sở không có quyền quyết định. Nếu cấp phó có chuyên môn nội vụ là điều tốt. Tuy nhiên, các đồng chí ấy đã trải qua nhiều chức vụ nên cũng thuận lợi cho công tác tại sở và công việc phụ trách".
Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương) có 7/12 phó phòng trở nên. Ảnh: Đ.Tuỳ
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh này cũng có số lượng cấp phó phòng nhiều bất thường. Trong đó, phòng Giáo dục Trung học có 12 cán bộ, chuyên viên thì hơn một nửa được bổ nhiệm chức vụ từ phó phòng trở nên (1 trưởng phòng, 6 phó phòng).
Trả lời PV, ông Lương Văn Việt – Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hải Dương thừa nhận có việc trên và cho hay, phòng Giáo dục được sáp nhập từ nhiều mảng lớn như: giáo dục trung học (cấp 2, cấp 3), với trên 40 trường THPT, 273 trường THCS, 13 trung tâm hướng nghiệp nghề nghiệp. Do tính chất công việc nên sở phải tăng biên chế để đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
"Trước khi về nhận công tác tại phòng, mọi người đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các cơ quan, như: hiệu trưởng, trưởng, phó phòng cấp huyện, nên việc bố trí như vậy là hoàn toàn hợp lý, hợp tình”, ông Việt cho biết.
Được biết, thời gian qua cũng tại tỉnh Hải Dương, dư luận xôn xao việc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội bổ nhiệm ồ ạt nhiều chức vụ lãnh đạo quản lý. Trong 46 biên chế của sở thì có tới 44 người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên và tuyển dụng nhiều biên chế không đúng chức năng làm việc.