Vì sao số ca F0 tử vong ở các tỉnh miền Tây tăng cao?
Các địa phương kỳ vọng, việc triển khai thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ cải thiện tình hình, giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất.
Tỉ lệ tử vong tăng cao
Tính đến chiều 5/12, TP.Cần Thơ đã ghi nhận thêm 1.163 ca nhiễm Covid-19 trong ngày, trong đó, quận Ninh Kiều có số ca mắc cao nhất, với 366 ca. Số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 31.960 ca.
Điều trị F0 ở Cần Thơ.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, chỉ tính từ ngày 23 đến 30/11, đã có tổng số 47 trường hợp tử vong, phần lớn là người cao tuổi và có bệnh nền. Theo ông Giang, tỉ lệ tử vong tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là người già mắc nhiều bệnh lý nền và có cả người chưa tiêm vaccine.
Đáng chú ý, tỷ lệ ca nhiễm tăng cao, nhưng đa phần lại có tiêm ngừa 2 mũi và không có triệu chứng chiếm hơn 85%. Hiện nay, giao thông liên vùng không có sự hạn chế, 1 bộ phận người dân còn chủ quan lơ là chưa tuân thủ nguyên tắc 5k và các biện pháp chống dịch. Thực tiễn cho thấy, mọi người vẫn có thể nhiễm bệnh kể cả khi được tiêm đủ liều vaccine.
Cũng theo ông Giang, hiện Cần Thơ đã tiêm tổng số hơn 1.866.174 liều vaccine, trong đó có hơn 1.020.152 mũi 1 và hơn 846.022 mũi 2, tỷ lệ tương ứng hơn 96% và hơn 89% người trên 18 tuổi. Mặc dù tỷ lệ phủ vaccine khá cao nhưng số ca nhiễm vẫn tăng cao từ hơn nửa tháng qua đã gây áp lực và quá tải cho hệ thống y tế của TP.
Hiện nay toàn TP.Cần Thơ có hơn 9.900 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà (tầng 1), tầng 2 có 2.625 bệnh nhân và có 298 bệnh nhân điều trị tại tầng 3, gần như không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Các cơ sở điều trị tại các tỉnh miền Tây đang rơi vào cảnh quá tải.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển cho biết thêm, TP đang tổ chức thêm nhiều bệnh viện dã chiến, tăng cường điều trị tích cực tầng 3. Đặc biệt là triển khai cho uống thuốc kháng virus Molnupiravir trong những ngày tới sẽ cải thiện tốt hơn, giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất.
Còn tại Đồng Tháp, tỉnh này hiện có hơn 22.500 ca nhiễm Covid-19. Trung bình mỗi ngày, Đồng Tháp ghi nhận 600 ca nhiễm. Trong 1 tuần gần đây, tỉnh ghi nhận hơn 30 ca tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 270 ca.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Tạ Tùng Lâm cho biết, trong tuần nay, số F0 ở Đồng Tháp tăng vọt, hiện các tầng điều trị đang quá tải do số điều trị cao.
Các tỉnh miền Tây đang nỗ lực kéo giảm F0 và tăng cường công tác điều trị tại nhà nhằm giảm gánh nặng cho sự quá tải của ngành y tế.
Tử vong cao còn do người dân giấu triệu chứng
Nói về nguyên nhân ca tử vong tăng cao, bác sĩ Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, có tình trạng nhiều người dân không khai báo khi có dấu hiệu. Đến khi bệnh mới đến các cơ sở y tế, lúc này được xét nghiệm sàng lọc test nhanh trước khi vào điều trị bệnh thì phát hiện F0.
Đa số trường hợp này là những người già có bệnh lý nền kèm theo, chưa tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Còn những người trẻ thì rơi vào những đối tượng béo phì, không tiêm ngừa, hoặc tiêm ngừa 1 mũi, từ đó bệnh diễn tiến nặng rất nhanh, dẫn đến tử vong.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nhiều ca tử vong ở Đồng Tháp trong thời gian gần đây, đó là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Chẳng hạn như trong 2 ngày 29 và 30/11, Đồng Tháp có 13 ca tử vong, trong đó đa phần chưa tiêm hoặc mới tiêm ngừa 1 mũi, hoặc có trường hợp vừa mới tiêm ngừa được mũi thứ 2 thì bị nhiễm Covid-19.
Và khi nhân viên y tế tuyến xã tiếp nhận bệnh nhân để đưa vào khu cách ly tạm thời đã chưa thực hiện phân loại kỹ. Đó là khi tiếp nhận, nhân viên y tế chủ yếu kiểm tra bằng bảng hỏi và các đơn vị tiếp nhận cũng chấp nhận phân loại bệnh thông qua bảng hỏi. Do đó, có những trường hợp giấu bớt triệu chứng bệnh để được ở lại điều trị tại nhà, ở lại điểm cách ly tuyến xã, điều này đã dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong, dù được đưa đi điều trị hồi sức tích cực một thời gian.
Trước thực trạng này, từ ngày 30/11, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cho tái kiểm 2 đầu - cả đơn vị chuyển và nhận bệnh nhân để tiếp tục phân loại, sắp xếp F0 cho hợp lý, từ đó sẽ điều chỉnh được tính hiệu quả trong phân tầng điều trị F0, giảm được số ca nguy cơ tử vong do phát hiện bệnh chậm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong yêu cầu Tiểu ban Điều trị và các đơn vị cơ sở phải theo dõi kịp thời các F0 tại các khu tiếp nhận bệnh một cách đầy đủ trách nhiệm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót thông tin, dễ dẫn tới xử lý chậm tình huống. Các cơ sở điều trị phải đảm bảo được cơ chế kiểm tra, theo dõi việc thăm khám bệnh nhân.
Nếu các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ đột ngột chuyển nặng mà không theo dõi kịp thời thì không chỉ người già bệnh nền mà người trẻ cũng tử vong. Do đó, việc phân tầng điều trị, không có nghĩa là buông lỏng khâu theo dõi sức khỏe của nhóm F0 đang nằm trong tầng điều trị, dù là bệnh nhân không có triệu chứng.
Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 5-12 tăng lên 94 người, cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Nguồn: [Link nguồn]