Vì sao quân đội Iraq thảm bại trước phiến quân IS?
Các chuyên gia lý giải nguyên nhân quân đội Iraq được trang bị hùng hậu lại nhanh chóng tháo chạy trước cuộc tấn công của phiến quân IS tại thành phố Ramadi.
Video lính Iraq tháo chạy khỏi thành phố Ramadi bằng trực thăng
Hôm Chủ nhật vừa rồi, khoảng 6.000 binh sĩ chính quy và cảnh sát Iraq đã cuống cuồng tháo chạy bằng tất cả các loại phương tiện mà họ có, bỏ lại sau lưng cả xe thiết giáp, pháo, vũ khí, sau khi bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công vào thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.
Các chuyên gia phân tích cho rằng thảm bại ở Ramadi một lần nữa phơi bày những nhược điểm cố hữu của quân đội Iraq mà Mỹ vẫn chưa thể khắc phục được bằng nguồn nhân lực, vật lực, tài chính khổng lồ trong suốt hơn một năm qua.
Theo chuyên gia Gareth Stansfield thuộc Viện Các lực lượng Vũ trang Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, một trong những nguyên nhân khiến quân đội Iraq nhanh chóng tháo chạy trước phiến quân IS là vì họ thiếu quyết tâm dù vũ khí, trang bị có thừa.
Ông Stansfield nhận định: “Quân đội Iraq thất bại khi đối mặt với IS là vì họ không hề có cảm giác được làm chủ thứ mà họ đang đổ xương máu để chiến đấu. Họ không hề tin tưởng vào thứ mà mình chiến đấu để bảo vệ, bởi thế, họ sẽ không chịu liều mạng để đánh nhau với một kẻ thù đầy quyết tâm như IS”.
Trong khi đó, nhiều chỉ huy quân đội Iraq lại không tin tưởng vào cấp trên và chính phủ trong việc gửi quân chi viện. Hồi tháng trước, IS đã chiếm được một căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Iraq ở Hồ Thirthar, cách Ramadi 25 km. Trung đoàn 4 của quân đội Iraq đã liều mình chiến đấu đến cùng bảo vệ căn cứ, với lời hứa của cấp trên rằng sẽ gửi quân chi viện, thế nhưng lời hứa đó đã không bao giờ thành hiện thực.
Một quan chức thành phố Ramadi tên là Ibrahim Hassan Khalaf al-Fahdawi cho rằng thành phố này nhanh chóng thất thủ là do những lời hứa hão về việc gửi quân chi viện của chính quyền trung ương.
Theo chuyên gia Stansfield, quân đội Iraq vẫn “chưa hồi phục sau nhiều năm quản lý yếu kém”, khi nhiều chỉ huy “được bổ nhiệm không dựa trên năng lực mà chỉ bám vào quan hệ” trong khi “rất nhiều sĩ quan có năng lực lại bị đào thải vì họ là thành viên đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein, và giờ đây họ lại quay sang chiến đấu cho IS”.
Trong khi đó, chuyên gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISSI) ở Washington thì cho rằng nguyên nhân chính khiến quân đội Iraq thảm bại trước IS là vì họ không được xây dựng để chiến đấu.
Ông Cordesman nói: “Đây là một đội quân ô hợp không hề có sự gắn kết cần thiết từ trước khi tân Thủ tướng Haider al-Abadi nhậm chức. Người ta tìm cách quên đi điều này khi quân đội Mỹ quay lại để ‘huấn luyện và hỗ trợ’, thế nhưng nó đã bộc lộ rất rõ trong trận chiến ở Ramadi”.
Một chuyên gia khác cũng thuộc ISSI tên là Ben Barry cho rằng chính chương trình huấn luyện quân đội Iraq của Mỹ cũng là lý do khiến IS dễ dàng tấn công và giành thắng lợi hơn. Ông nói: “Khi các cố vấn Mỹ rút các lữ đoàn chiến đấu của Iraq từ tiền tuyến về hậu phương để huấn luyện trong vòng 6 tháng đến 1 năm, họ sẽ khiến cho tiền tuyến mỏng đi đáng kể”.
Cũng theo các chuyên gia phân tích, một lý do nữa khiến quân đội Iraq phải nhanh chóng vứt bỏ vũ khí tháo chạy là do họ đang chiến đấu ở một thành phố có đa phần dân số là người Sunni, trong khi phần lớn binh sĩ quân đội là người Hồi giáo dòng Shia.
Nhiều binh sĩ Iraq lo sợ rằng người dân bản địa dòng Sunni sẽ ủng hộ và hậu thuẫn cho phiến quân IS, khiến họ có nguy cơ đánh mất hậu phương bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, nhiều cảnh sát địa phương dòng Sunni đã nhanh chóng đào ngũ và trốn sang phe IS ngay sau khi trận chiến bắt đầu, khiến cho tinh thần chiến đấu của quân đội Iraq ở đây càng thêm vỡ vụn.
Từ trước đến nay, quân đội Iraq rất tự hào về một đơn vị thiết giáp có tên gọi là Sư đoàn Vàng, và các chiến thuật của quân đội nước này đều phụ thuộc rất lớn vào khả năng tác chiến của sư đoàn này. Thế nhưng trong trận chiến Ramadi, các binh sĩ Sư đoàn Vàng cũng đã cuống cuồng lên trực thăng tháo chạy, bỏ lại sau lưng nhiều xe thiết giáp, xe tăng, vũ khí hạng nặng cho phiến quân IS.