Vì sao quân đội Indonesia từ bỏ nỗ lực trục vớt QZ8501?

Ngày 27/1, quân đội Indonesia bất ngờ tuyên bố chấm dứt nỗ lực trục vớt xác chiếc máy bay xấu số QZ8501 trên biển Java sau gần một tháng chiếc máy bay này gặp nạn.

Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Moeldoko, đã ra lệnh cho quân đội nước này rút toàn bộ nhân lực và phương tiện tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ ra khỏi vùng biển Java, bỏ dở kế hoạch trục vớt xác chiếc máy bay đang nằm ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển.

Vì sao quân đội Indonesia từ bỏ nỗ lực trục vớt QZ8501? - 1
Quân đội Indonesia rút toàn bộ nhân lực, trang bị khỏi chiến dịch tìm kiếm QZ8501

Gần một tháng nay, quân đội Indonesia là lực lượng chủ lực trong chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay QZ8501 với nhiều tàu chiến, trực thăng quân sự và người nhái hải quân trên biển Java. Sau khi lực lượng quân đội rút đi, cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia Basarnas sẽ tiếp quản chiến dịch tìm kiếm xác nạn nhân.

Lý giải việc quân đội rút lực lượng khỏi chiến dịch cứu hộ, Chuẩn Đô đốc hải quân Widodo cho hay đến nay gần 1/4 quân số trong 81 người nhái hải quân tham gia tìm kiếm xác nạn nhân đã bị ốm vì các triệu chứng giảm áp do lặn sâu. Hải quân đã phải chuyển họ tới một bệnh viện ở Jakarta để điều trị.

Ông Widodo nói: “Tôi đã nói với họ phải đặt an toàn lên trên hết. Nhưng như chúng ta đã biết, những người lính luôn làm việc cật lực để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Họ không nghĩ tới an toàn của bản thân mà chỉ hết mình thực hiện nhiệm vụ”.

Vì sao quân đội Indonesia từ bỏ nỗ lực trục vớt QZ8501? - 2
Nhiều thợ lặn hải quân đã ngã bệnh trong quá trình tìm kiếm thi thể nạn nhân

Mặc dù các thợ lặn đã làm việc rất vất vả, nhưng họ không tìm thấy thêm bất cứ thi thể nào bên trong xác máy bay như dự đoán trước đó của các nhân viên tìm kiếm cứu hộ. Theo ông Widodo, những thi thể nạn nhân còn lại có thể đang mắc kẹt bên dưới xác máy bay.

Ngoài ra, một lý do nữa khiến quân đội Indonesia từ bỏ chiến dịch trục vớt xác máy bay QZ8501 là do điều kiện thời tiết quá xấu khiến các thiết bị của họ không thể làm việc hiệu quả.

Quân đội Indonesia đã dùng những bóng khí khổng lồ nối với xác máy bay bằng dây cáp để tạo sức nâng nhấc chiếc máy bay lên khỏi đáy biển. Nhưng nỗ lực này đã nhiều lần thất bại khi bóng khí và dây cáp của họ liên tục bị nổ, bị đứt trong điều kiện thời tiết xấu.

Trước tình hình trên, quân đội Indonesia đã quyết định chấm dứt chiến dịch trục vớt xác máy bay, sau khi xác định không còn thi thể nạn nhân mắc kẹt bên trong.

Sau một ngày nghỉ ngơi, cơ quan tìm kiếm cứu nạn Basanas sẽ tiếp quản nhiệm vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân với một lực lượng gồm 60 thợ lặn, 8 chuyên gia trục vớt, 7 tàu, 2 trực thăng và một máy bay, với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là vớt thi thể nạn nhân chứ không phải đưa xác máy bay lên mặt nước.

Vì sao quân đội Indonesia từ bỏ nỗ lực trục vớt QZ8501? - 3
Basarnas sẽ tiếp quản nhiệm vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới đáy biển

Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ít nhất 14 thi thể ở gần xác máy bay, trong đó có một số nạn nhân trôi nổi tự do sau khi thân máy bay được nhấc lên một chút. Cho đến nay, vẫn còn 92 thi thể nạn nhân chưa được tìm thấy.

Quyết định rút khỏi chiến dịch tìm kiếm QZ8501 của quân đội Indonesia đã khiến không ít người thân nạn nhân thất vọng. Ông Imam Sampurno, người đã mất đi 4 người thân trong vụ tai nạn ngậm ngùi: “Chúng tôi thật sự thất vọng. Chúng tôi đã hy vọng rằng chiến dịch trục vớt vẫn đang diễn ra”.

Sau khi tiếp tục tìm kiếm trong khoảng một tuần tiếp theo, Basarnas sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân của chiếc máy bay nữa hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Máy bay AirAsia của Malaysia gặp nạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN