Vì sao phiến quân Libya đánh cắp 11 máy bay khổng lồ?
Những chiếc máy bay này có thể là vũ khí khủng bố đáng sợ nhất trong tay phiến quân thân Al Qaeda.
Hồi cuối tháng 8, tờ Al Jazeera đưa tin về vụ nhóm phiến quân Rạng đông Libya đánh cắp 11 máy bay thương mại tại sân bay ở thủ đô Tripoli sau một cuộc giao tranh dữ dội để giành quyền kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn của đất nước này.
Thông tin này đã làm dấy lên nỗi lo sợ trong cộng đồng tình báo Mỹ và các quốc gia có liên quan rằng những chiếc máy bay chở khách và chở hàng trên có thể biến thành những vũ khí hủy diệt khổng lồ trong các vụ tấn công tự sát nhắm vào các nước Bắc Phi và thậm chí là ở Mỹ tương tự như vụ khủng bố 11/9/2001.
Phiến quân Libya tấn công đánh chiếm sân bay ở thủ đô Tripoli
Mối lo sợ càng tăng lên sau khi các chiến binh của nhóm khủng bố này đăng những bức ảnh “tạo dáng” bên cạnh những máy bay chở khách cỡ lớn mà chúng đánh cắp được tại sân bay quốc tế Tripoli. Những chiến binh này trèo cả lên cánh máy bay và cười đùa trước ống kính máy ảnh.
Mối đe dọa từ những “quả bom khổng lồ” này nghiêm trọng đến mức nước láng giềng Ai Cập đã phải âm thầm thực hiện những cuộc không kích nhắm vào nhóm Rạng đông Libya có quan hệ với khủng bố Al Qaeda để giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến Ai Cập.
Chiến binh Hồi giáo tạo dáng trên những chiếc máy bay chở khách chiếm được
Quân đội các nước trong khu vực như Algeria, Tunisia và Morocco đã được đặt trong tình trạng báo động cao vì không ai biết 11 chiếc máy bay thương mại kia đang ở đâu. Họ không biết những chiếc máy bay này bị mất là do nhầm lẫn của các quan chức Libya, hay chúng đang được giấu trong hầm để chờ thời cơ tấn công. Chính sự mơ hồ đó đã khiến mọi người lo sợ về điều tồi tệ nhất.
Sau những gì đã trải qua vào ngày 11/9/2001, người Mỹ hiểu rõ hơn ai hết rằng một chiếc máy bay chở khách có thể trở thành một tên lửa hành trình siêu chính xác và có sức công phá khủng khiếp như thế nào.
Người Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công khủng bố 11/9
Trong khi đó, phiến quân Hồi giáo không thiếu gì những kẻ cuồng tín sẵn sàng lái những chiếc máy bay đó đâm vào bất cứ mục tiêu nào, miễn là chúng được huấn luyện qua về lái máy bay.
Ông Abderrahmane Mekkaoui, chuyên gia quân sự của Morocco dẫn lời các nguồn tin tình báo “đáng tin cậy” cho hay 11 chiếc máy bay bị đánh cắp trên hiện đang nằm trong tay một nhóm phiến quân khác tên là Lữ đoàn Chiến binh Bịt mặt (MMB). Nhóm phiến quân MMB này đang “âm mưu sử dụng số máy bay này để tấn công vào khu vực Bắc Phi nhân dịp kỷ niệm 11/9”.
11 máy bay đã biến mất bí ẩn ngay tại sân bay ở Tripoli
Các chuyên gia tin rằng nếu đào tạo kịp phi công, bọn khủng bố có thể thực hiện các vụ tấn công tới tận Arập Xê-út, và mục tiêu có thể là những nhà máy lọc dầu cực lớn của quốc gia này nằm trơ trọi giữa sa mạc.
Chỉ cần một máy bay đâm xuống nhà máy lọc dầu, nó sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu của thế giới trong một thời gian dài, khiến vụ tấn công khủng bố này sẽ gây được tiếng vang trên toàn cầu.
Một khả năng khác là số máy bay này có thể được sử dụng để tấn công các tòa nhà chọc trời trong khu vực Bắc Phi, thậm chí là tới các thành phố bên bờ Địa Trung Hải như Rome.
Một chiến binh giương súng trước một máy bay chở khách
Khả năng số máy bay này được dùng làm vũ khí để tấn công vào Mỹ là khá thấp bởi chúng sẽ gần cạn nhiên liệu khi vượt Đại Tây Dương. Khi đó, với lượng nhiên liệu ít ỏi bên trong, máy bay sẽ không thể gây ra được một vụ nổ lớn giống như những gì đã xảy ra hôm 11/9/2001.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng đã phải tăng cường cảnh giác và hướng radar lên bầu trời Đại Tây Dương để có thể kịp thời ngăn chặn bất cứ máy bay lạ nào hướng đến bờ biển nước Mỹ.