Vì sao 'ông trùm' đăng kiểm miền tây thoát tội đưa hối lộ cho hai cựu Cục trưởng?

Trần Lập Nghĩa - chủ các trung tâm đăng kiểm miền tây bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên cấp dưới nhận hối lộ, giả mạo trong công tác để hưởng lợi 14,7 tỉ đồng và đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ngày 22-7, đại diện VKSND TP.HCM tiếp tục công bố cáo trạng về hành vi phạm tội của 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm.

Theo cáo trạng, vụ án được phát hiện và phanh phui thông qua việc CSGT phát hiện 2 xe ôtô có dấu hiệu cơi nới thành thùng. Công an TP.HCM lần ra sai phạm của hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình cùng hơn 200 người khác tại 14 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM, Long An, Bến Tre và Sóc Trăng.

Nhận hối lộ, đưa hối lộ, cho người đóng giả đăng kiểm viên

Trong đó có sai phạm từ 5 trung tâm đăng kiểm tư nhân do Trần Lập Nghĩa - người được xem là “ông trùm” đứng sau loạt trung tâm đăng kiểm tại miền tây.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Trần Lập Nghĩa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quá trình điều tra, Trần Lập Nghĩa khai là Giám đốc của 3 Trung tâm đăng kiểm, gồm: 62-03D - Long An; 71-02D - Bến Tre; 83-02D - Sóc Trăng. Ngoài ra còn Trung tâm 66-02D (Đồng Tháp) và Trung tâm 84-02D, Nghĩa thuê người đứng tên (hiện đã giải quyết bằng vụ án khác).

Do thiếu đăng kiểm viên tại các trung tâm nên Nghĩa đã đưa tên, chứng chỉ của các đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại các trung tâm và chỉ đạo các phó giám đốc, các đăng kiểm viên và các nhân viên điền các tên này vào sổ phân công ngày, ký giả chữ ký để bổ túc hồ sơ theo quy định của Cục.

Bị cáo Nghĩa chỉ đạo các nhân viên tập sự thực hiện việc đăng kiểm; đưa nhân viên mặc đồ đăng kiểm viên ở các dây chuyền kiểm định; đưa các Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên 5 cá nhân không phải là đăng kiểm viên hoặc là đăng kiểm viên nhưng đã nghỉ việc cho các phó giám đốc trung tâm để đối phó khi có các đoàn kiểm tra.

Đầu năm 2022, tình hình kinh tế sau dịch khó khăn, Trần Lập Nghĩa chỉ đạo 5 bị cáo là phó giám đốc các trung tâm nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, cò môi giới để bỏ lỗi cho phương tiện trong quá trình kiểm định. Số tiền nhận hối lộ sẽ được chuyển vào tài khoản để Trần Lập Nghĩa trả lương nhân viên, chi trả các hoạt động của trung tâm và chung chi cho Cục.

Bị cáo này chỉ đạo lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên các Trung tâm 62-03D và 83-02D nhận hối lộ tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Trần Lập Nghĩa còn nhận 350 triệu đồng từ bị cáo Lê Thị Diễm Mi (nhân viên tiếp nhận, trả hồ sơ tại trung tâm 62-03D) thu của các phương tiện đến đăng kiểm.

Đối với việc các trung tâm thiếu đăng kiểm viên, Trần Lập Nghĩa đã chỉ đạo lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại các trung tâm ký giả 975 chữ ký của các đăng kiểm viên không có thật, không làm việc tại trung tâm; mặc đồ đóng giả đăng kiểm viên. Từ đó các trung tâm đã cấp 45.045 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ thu lợi bất chính hơn 12,7 tỉ đồng.

Tổng cộng, bị cáo này đã hưởng lợi từ việc nhận hối lộ và ký giả chữ ký của đăng kiểm viên để thực hiện quy trình kiểm định sai quy định là hơn 14,7 tỉ đồng.

Tự tố giác hành vi phạm tội

Ngoài ra, tháng 5-2021, Trần Lập Nghĩa còn chỉ đạo Huỳnh Thái Bảo nhận phần mềm FOMR1 (MDO.exe) sử dụng tại Trung tâm 71-02D để xâm nhập thay đổi, làm giả kết quả trên phần mềm đánh giá, kiểm tra của Cục đăng kiểm đối với 678 phương tiện từ không đạt thành đạt.

Các bị cáo trong đại án đăng kiểm tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo trong đại án đăng kiểm tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nghĩa khai đã sử dụng số tiền thu lợi bất chính để đưa hối lộ cho hai cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, cụ thể:

Tại trung tâm 83-02D: Từ tháng thứ 7 sau khi thành lập, mỗi tháng Trần Lập Nghĩa gửi ông Trần Kỳ Hình số tiền 50 triệu đồng, 3 tháng ra đưa một lần. Khi ông Hình về hưu thì ông Đặng Việt Hà lên Cục trưởng, mỗi tháng Nghĩa đưa phong bì 50 triệu đồng cho đến tháng 10-2022.

Tại trung tâm 62-03D: Đưa hối lộ cho ông Hình số tiền 20 triệu đồng để được cấp mã số trung tâm. Khi Phòng kiểm định xe cơ giới đến kiểm tra, Nghĩa đưa phong bì 2-5 triệu đồng. Hàng tháng đưa Trần Kỳ Hình 30 triệu đồng và Đặng Việt Hà 40 triệu đồng.

Tại trung tâm 71-02D: Bị cáo Nghĩa đưa ông Hình 300 triệu đồng để được mã số. Khi Phòng kiểm định xe cơ giới đến kiểm tra, gửi phong bì 2-5 triệu đồng. Hàng tháng Nghĩa chung chi cho ông Hình 40 triệu đồng. Khi ông Hình về hưu, mỗi tháng Nghĩa gửi cho người kế nhiệm là Đặng Việt Hà 40 triệu đồng.

Đối với hành vi Trần Lập Nghĩa đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, do Trần Lập Nghĩa có đơn tố cáo, tự tố giác hành vi phạm tội trước khi bị phát hiện nên CQĐT không xử lý về hành vi đưa hối lộ.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa và 17 bị cáo đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Theo cáo trạng, Trần Lập Nghĩa thừa nhận toàn bộ trách nhiệm của mình đối với các hành vi phạm tội với vai trò chỉ đạo, điều hành và hưởng lợi toàn bộ số tiền do phạm tội mà có. Các bị cáo còn lại được Nghĩa thuê để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nghĩa và được hưởng lương định kỳ.

Hai bị cáo từng giữ chức vụ cao nhất đều hưởng lợi trong đại án đăng kiểm nhưng không phải là người nhận hối lộ nhiều nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀNG GIANG ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN