Vì sao nữ cảnh sát Indonesia phải kiểm tra trinh tiết?
Các nữ cảnh sát Indonesia mới vào nghề đều phải “trong trắng” trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vào một ngày gần đây, một cô gái Indonesia 19 tuổi hồi hộp bước vào căn phòng bên trong trụ sở cảnh sát và cởi hết quần áo. Cô không còn lựa chọn nào khác. Cô muốn trở thành cảnh sát, và các thủ trưởng tương lai của cô muốn cô thực hiện bài kiểm tra trinh tiết, mặc dù cô chưa biết nó sẽ đau đớn và ê chề đến mức nào.
Các nữ cảnh sát Indonesia
Cô gái kể lại với các điều tra viên của tổ chức Giám sát Nhân quyền: “Họ kéo một chiếc rèm để người ngoài không thể nhìn vào. Nhóm chúng tôi có khoảng 20 cô gái bước vào hội trường và được yêu cầu cởi hết quần áo”.
Và rồi cuộc kiểm tra trinh tiết bắt đầu bằng bàn tay của một nữ bác sĩ, khi các ứng viên cảnh sát phải nằm trần truồng trên một chiếc bàn.
Nếu không qua được cuộc kiểm tra trinh tiết này, học viện cảnh sát sẽ không nhận các cô. Trong các tiêu chuẩn mà lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia đề ra với các ứng viên nữ, điều quan trọng là họ chưa được phép kết hôn. Họ cũng không nhận những cô gái quá 22 tuổi, và cũng không chấp nhận những cô gái không còn “trong trắng”.
Một trong những lý do mà họ đưa ra để giải thích cho yêu cầu này là nhằm ngăn chặn “gái mại dâm” gia nhập lực lượng cảnh sát. Thế nhưng họ lại không quan tâm tới cảm giác hổ thẹn, đau đớn mà các nữ ứng viên phải trải qua trong cuộc kiểm tra.
Nữ cảnh sát Indonesia được yêu cầu phải còn "trong trắng" khi mới vào nghề
“Tôi không muốn nhớ lại trải nghiệm khủng khiếp đó”, cô gái 19 tuổi tâm sự. “Tôi cảm thấy nhục nhã khi phải cởi bỏ quần áo trước mặt người lạ. Điều đó thật không cần thiết và cần phải được ngăn chặn”.
Thế nhưng hình thức kiểm tra trinh tiết này vẫn được thực hiện trong hàng chục năm qua, và nó thể hiện sự phân biệt đối xử trong chính sách, trong luật pháp và cả trong phong tục mà phụ nữ Indonesia phải đối mặt.
Ở Indonesia, những cô gái trẻ như nữ sinh hay nữ cảnh sát mới vào nghề đều phải là người “trong trắng” trong bất cứ hoàn cảnh nào, và đó là lý do mà hình thức kiểm tra trinh tiết xuất hiện và tồn tại dai dẳng ở nước này, dù nó vấp phải những phản ứng tiêu cực của dư luận.
Theo bà Aruna Kashyap thuộc tờ Jakarta Globe, vấn đề nằm ở chỗ người dân Indonesia vẫn tin rằng phẩm hạnh của người phụ nữ nằm ở cái màng trinh mỏng manh, mặc dù điều đó là không hề chính xác và phản khoa học. Bởi vậy, những cuộc kiểm tra trinh tiết vẫn được thực hiện với niềm tin rằng nó phản ánh đời sống tình dục của phụ nữ.
Một nữ cảnh sát giao thông trên đường phố
Các nữ quân nhân Indonesia đã đấu tranh chống lại quan niệm này từ những năm 1990 nhưng không mấy thành công. Các quan chức Indonesia ở nhiều nơi vẫn khuyến khích hình thức kiểm tra này, và vào năm 2013, một cơ quan quản lý giáo dục ở tỉnh Jambi còn yêu cầu kiểm tra trinh tiết của các nữ sinh trung học.
Điều đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh cũng ủng hộ cách làm này. Một người cha tên là Bambang nói rằng ông muốn ba cô con gái của ông phải được kiểm tra trinh tiết trước khi nhập trường để đảm bảo chúng không “hư hỏng sớm”.
Bambang cho rằng cuộc kiểm tra này là cách tốt nhất để các cô gái trẻ hiểu được hậu quả của “sự buông thả đạo đức”, khiến các cô không dễ dàng trao thân cho bạn trai hay dễ dãi trong các mối quan hệ.
Quan niệm này còn đeo đẳng các cô gái trẻ sau khi họ tốt nghiệp và muốn làm những công việc như gia nhập lực lượng cảnh sát, trong đó yêu cầu đầu tiên là họ phải còn trinh trắng.
Nữ cảnh sát Indonesia tham gia chống biểu tình
Đó là lý do khiến một cô gái trẻ thừa nhận với tờ Jakarta Globe rằng cô đã bỏ ra tới 820 USD để phẫu thuật vá màng trinh để có thể qua được cuộc kiểm tra trinh tiết và vào làm việc trong lực lượng cảnh sát.
Thế nhưng, cuộc kiểm tra đó vẫn để lại những di chấn nặng nề cho các cô gái trẻ mới đặt chân vào lực lượng cảnh sát Indonesia. Một nữ cảnh sát tâm sự: “Bạn tôi thậm chí đã ngất đi vì đau đớn, thực sự là rất đau đớn”.