Vì sao “nói chuyện bằng nắm đấm” gia tăng?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - nhận định về nguyên nhân các vụ việc đánh nhau ngày càng gia tăng ở ngày thường cũng như ngày Tết.

Vì sao “nói chuyện bằng nắm đấm” gia tăng? - 1
Đánh nhau tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 24.2. Ảnh: Zing

Bộ Y tế vừa có thống kê, Tết Ất Mùi có hơn 6.000 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau, không ít trong số này là thanh niên ở nông thôn. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

- PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng bất kể thanh niên nào không phân biệt thanh niên nông thôn hay thành thị vẫn dễ có những hành vi đánh nhau nếu thiếu kiểm soát chính mình. Vấn đề đó chính là cung cách ứng xử mang tính văn hóa - nhân văn hay không.

Ngày Tết thường là ngày sum họp, người dân có sự giao lưu rất lớn, vì thế mà các vụ va chạm, thiếu kiểm soát cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, những vụ việc đánh nhau dù chưa thống kê một cách chi tiết đầy đủ cũng cho thấy có sự xung đột văn hóa ở đây. Một mặt, xung đột văn hóa giao tiếp giữa những thanh niên nông thôn với nhau. Mặt khác, đó là sự xung đột văn hóa giao tiếp giữa những thanh niên nông thôn với thanh niên đã ra thành thị và trở về...

Đó là những biểu hiện bình thường, nhưng cần được xem xét trên nhiều bình diện tương tác...

Xét về mặt tâm lý, vì sao thanh niên lại ứng xử với nhau bằng nắm đấm nhiều như vậy?

- Có thể nói chính sự thân thiện nhưng đôi lúc giản đơn dễ ảnh hưởng đến sự cư xử. Ngoài ra, quan niệm tiện lợi, xuề xòa, chắc không sao, thẳng thắn, cụ thể, cộc tính... của một số thanh niên trẻ nông thôn ngày nay ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi hung tính trong giao tiếp và ứng xử...

Tuy vậy, theo cá nhân tôi, chính tính khẳng định trội nhưng chưa tới cũng như kiểu thể hiện bằng được làm cho không ít thanh niên nông thôn dễ ẩu đả... Đó là chưa kể việc nhậu tới bến trong ngày Tết rồi chơi hết mình, chung thủy hết sức với nhóm dễ dẫn đến hành vi đánh nhau.

Vì sao “nói chuyện bằng nắm đấm” gia tăng? - 2
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.
Sự thay đổi tâm lý này được phân tích ở nhiều góc độ. Thứ nhất, đó là sự khẳng định của thanh niên nông thôn khi muốn bảo vệ chính mình hay giữ kiểu ứng xử mình cho là phù hợp. Thứ hai, đó chính là sự đổi thay về văn hóa khi nhìn thấy sự khác biệt hay mâu thuẫn về giao tiếp - ứng xử.

Ở một số lễ hội đầu xuân hay có tục cướp vật thờ khiến nhiều thanh niên có hành vi hung tính. Theo ông, nên định hướng tâm lý như thế nào để nét đẹp đầu xuân lễ hội được giữ mà không… đánh nhau?

- Mỗi một giá trị sống đều có tính chất định hướng. Quan trọng nhất đó là sự định hướng mang tính chuẩn mực. Các phong tục, lễ hội càng phải đạt được điều đó. Nếu không thì không thể chỉ trách thanh niên.

Thanh niên ở bất kỳ nơi nào cũng cần hướng đến sự chuẩn mực trong giao tiếp, những cốt lõi về mặt văn hóa. Và, sự xung đột hay mâu thuẫn nếu có phải được giải quyết bằng nhiều cách chứ không phải bằng nắm đấm.

Thứ nữa, cũng cần nhấn mạnh rằng chính sự chân thành và tha thứ là những điểm cốt cách của lối sống đơn giản, chân thật. Vì thế, cần nhận ra giá trị đích thực này để ứng xử thay vì sự khẳng định mông lung, sai định hướng.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiên Lê (thực hiện) ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN