Vì sao nhiều loài dã thú thích máu người?

Những vụ báo hoang giết người gần đây đã cho thấy hoàn cảnh có thể đẩy các 'sát thủ' săn mồi trong thiên nhiên chuyển khẩu vị sang con người.

Một số loài thú săn mồi nguy hiểm hoàn toàn có thể trở thành sát nhân hàng loạt trong điều kiện thích hợp, các chuyên gia động vật cảnh báo. Vụ việc mới đây nhất chính là một con báo đốm tại Nepal đã tấn công và ăn thịt ít nhất 15 người trong vòng 15 tháng qua.

“Không thể loại trừ khả năng một số loài thú học được cách tấn công con người”, chuyên gia George Burgess bình luận trên Discovery News. Như trong vụ Nepal, có thể con báo đã quá thèm vị mặn trong máu người nên mới dẫn tới hàng loạt cái chết bi thương trong vùng.

Đồng quan điểm với ông Burgess, Giám đốc Ban bảo tồn động vật hoang dã và công viên quốc gia Nepal Dhakal tin rằng, ngay khi báo và các loài họ mèo lớn tiếp xúc với thịt người, sẽ rất khó ngăn chặn được chúng hoặc buộc chúng dừng săn.

Vì sao nhiều loài dã thú thích máu người? - 1

Một con báo hoang Nepal đã ăn thịt tối thiểu 15 người, trong đó có một bé trai 4 tuổi

“Do máu người có nhiều muối hơn máu động vật nên một khi chúng đã nếm qua, chúng sẽ không còn thích máu của những con mồi truyền thống như hươu, nai nữa”, Dhakal bình luận trên CNN. Tất nhiên, việc "khát" máu người sẽ đòi hỏi chúng phải trải qua một quá trình học kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm săn mồi. Điều này sẽ là bất khả thi nếu như thú săn mồi không thể thường xuyên chạm mặt với “nguồn thức ăn”.

Đối với các loài báo lớn, trước đây chúng thường chỉ tấn công bò, cừu và các loài gia súc khác. Rất hiếm khi chúng tấn công người. Cho tới nay, Burgess mới chỉ biết đến 2 trường hợp mà cá mập tấn công người liên tiếp. Cả hai vụ đều xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Ai Cập, nhưng khi điều tra nguyên nhân, người ta thấy chính con người đã là thủ phạm gián tiếp.

“Tại thời điểm đó, các tàu từ Úc và New Zealand đang chuyên chở cừu sống tới Ai Cập. Những con cừu bị chết trên tàu đều được vứt lên boong. Chất thải từ cừu cũng được cọ rửa ngay trên boong. Kết quả là tạo ra một vệt mùi trải dài từ New Zealand cho tới Biển đỏ.

Một con cá mập đầu búa và một con cá mập mako dường như đã bơi theo vết mùi này đến một vùng nước trũng thường có nhiều người bơi. Do không có cừu và các con mồi khác để ăn thịt nên chúng chuyển sang tấn công người.

“Rõ ràng là hiếm khi cá mập hay các loài thú săn mồi tấn công người, nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Burgess phân tích.

Dù không phải lúc nào cũng xuất hiện ở phần đầu của chuỗi thức ăn trong thế giới động vật, song Proconsul, một loài vượn cổ xưa là tổ tiên của cả người hiện đại lẫn tinh tinh, từng là món ăn yêu thích của nhiều loài săn mồi. Nhà sinh học Kirsten Jenkins cho biết bà đã quan sát thấy rất nhiều dấu răng để lại trên hóa thạch của vượn Proconsul, một bằng chứng hiển nhiên cho thấy các loài khủng long và bò sát săn mồi đã từng ăn thịt vượn.

Hồi đầu năm nay, người ta cũng phát hiện thấy hóa thạch của một loài cá sấu có sừng khổng lồ có tên khoa học Crocodylus nằm ngay cạnh di cốt của Australopithecus, một họ hàng xa của con người đã tuyệt chủng. Giới nghiên cứu nghi rằng Crocodylus thường xuyên coi con người là thức ăn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Y Lam (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN