Vì sao nguyên TGĐ Agribank bị bắt?

Ngày 23-1, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank). Ông Tân đã có những sai phạm gì?

Ngày 23-1, Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Trần Đại Quang cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Bà Lượng có sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn đầu tư dự án.

Vì sao nguyên TGĐ Agribank bị bắt? - 1

Ông Phạm Thanh Tân (thứ hai từ phải qua) tại lễ khai trương hệ thống Ipcas II của Agribank - Ảnh: Agribank

Cụ thể, năm 2007 dự án Luxfashion xây dựng nhà máy may, do Công ty liên doanh Lifepro Vietnam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đầu tư hàng nghìn tỉ đồng và đã giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng...

Dự án này sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động nhưng chỉ sau vài tháng đã ngừng hoạt động vào tháng 8-2012, giám đốc công ty bỏ về nước. Để thu hồi khoản nợ, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có văn bản số 941/NHN-TD đề nghị công ty này không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, cổ đông hay mọi sự thay đổi khác khi chưa có ý kiến của ngân hàng do toàn bộ tài sản của dự án đã được thế chấp, vay vốn tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, yêu cầu thu xếp tài chính trả nợ ngân hàng nhưng đến nay vẫn không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.

Cơ quan điều tra tình nghi Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn đầu tư đã không thẩm định đúng tình hình dự án, dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đồng thời trong việc cho vay này, ông Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát thực hiện.

Cùng ngày, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng theo quan điểm của ông thì thông tin ông Phạm Thanh Tân bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng này. Lý do ông Tân không còn là thành viên trong ban lãnh đạo của Agribank đã hơn một năm nay. Thêm nữa, Agribank là tổ chức tín dụng của Nhà nước có uy tín, chắc chắn khách hàng sẽ vẫn tin tưởng vào thương hiệu Agribank.

Đại diện lãnh đạo của Vụ Tổ chức cán bộ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ điều hành Agribank cho ông Trịnh Ngọc Khánh, phó tổng giám đốc, phụ trách từ tháng 11-2012 đến nay.

Tại Hội nghị về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, ngày 23-1, do chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã công bố thông tin ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã bị khởi tố, bắt giam..

“Đặc biệt, đã khởi tố, bắt giam Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố, bắt giam Đỗ Quốc Khánh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Falcon về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - ông Quang nêu ví dụ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm kinh tế, tham nhũng đạt kết quả cao.

Được biết, từ tháng 7-2011, ông Phạm Thanh Tân đã thôi giữ chức Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Agribank và nhận công tác tại Văn phòng Ngân hàng Nhà nước theo điều động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết bộ đang trình nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đến nay, số bị án tử hình chưa thi hành còn 532 đối tượng, đang chờ nghị định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.Quang - L.Thanh (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN