Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt?

Sự kiện: Thời sự Tin nóng

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bị bắt do ký nhiều văn bản chấp thuận cho các công ty không đủ năng lực tham gia dự án tại khu đất "vàng" số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, làm thất thoát nguồn thu ngân sách.

Ông Nguyễn Thành Tài sinh năm 1952, từng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM từ năm 2010-2015.

Cựu lãnh đạo UBND TP HCM này bị Thanh tra Chính phủ  (TTCP) xác định là người đã ký các quyết định cho thuê khu đất "vàng" 8-12 Lê Duẩn (quận 1) không qua đấu thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt? - 1

Làm trái quy định của Nhà nước

Theo TTCP, liên quan đến khu đất này, UBND TP HCM thời điểm đó đã có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của nhà nước. Cụ thể, trong quá trình triển khai dự án, UBND TP không xin ý kiến HĐND, không báo cáo HĐND TP tại phiên họp gần nhất trước khi quyết định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất. Trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND TP nhiệm kỳ 2011-2015, trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực, thời điểm đó.

Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt? - 2

Cơ quan thanh tra chỉ rõ việc UBND TP HCM thời điểm đó không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến 4 công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỉ lệ cổ phần góp vốn của nhà nước từ 50% xuống còn 20%. Việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của nhà nước. 

Trong kết luận, ông Nguyễn Thành Tài được cho là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án cũng như chấp thuận cho các công ty không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến chuyển nhượng kiếm lời, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt? - 3

Khu đất vàng Lê Duẩn

Theo cơ quan thanh tra, những sai phạm của UBND TP và các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan như đã nêu ở trên là có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước, cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.

Do đó, TTCP kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách.

Thất thoát hàng trăm tỉ đồng

Khu đất số 8-12 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2, thuộc sở hữu nhà nước. Ban đầu (thời điểm năm 2007) khu đất này do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở, gồm Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí TP, Công ty CP hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty CP Vận tải xăng dầu (VITACO).

Đến năm 2010, theo đề nghị của Bộ Công Thương, UBND TP HCM đồng ý lập Công ty CP Đầu tư Lavenue gồm các cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP và 4 công ty của Bộ Công Thương góp vốn để thực hiện dự án, mỗi phía 50%. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP lại cho phép Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỉ lệ vốn góp 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.

Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt? - 4

Ngày 20-4-2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã đồng ý chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty Đầu tư Kido) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Đến tháng 6-2011, UBND TP đã có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng toàn bộ diện tích đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất là nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn.

Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (khoảng 3.400 m2) giá thị trường là hơn 621,7 tỉ đồng, duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30-6-2016 vào ngân sách Nhà nước; Sở Tài nguyên Môi trường TP cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.

Theo kết luận của TTCP, khu đất số 8-12 đã được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, do đó việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện đấu giá theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, khu đất này cũng không thuộc trường hợp được chỉ định nhà đầu tư.

Về việc Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue, theo TTCP, qua kiểm tra hồ sơ nhận thấy công ty này không có chức năng và chưa có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Do đó, việc Công ty Quản lý kinh doanh nhà đề xuất và được UBND TP cho phép Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% vốn điều lệ là trái với chính chủ trương của UBND TP. Đồng thời, trái với pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo TTCP, về kinh tế, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm TP có giá trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí tốt (3 mặt tiền) diện tích 4.896 m2 sẽ thu về trên 2.000 tỉ đồng.

"Lật kèo", bỏ túi 200 tỉ đồng

Ngay sau khi được UBND TP HCM ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công Thương đã "lật kèo" (cách gọi của một nguyên lãnh đạo TP), cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời. Thương vụ này cũng giúp các công ty tư nhân chiếm 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5.000 m2.

Từ lúc Công ty CP Đầu tư Lavenue chưa được thành lập, ngày 20-8-2010, các công ty của Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty Kido) đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Ngày 19-5-2010, mỗi công ty của Bộ Công Thương ký hợp đồng vay của Công ty Kido 12,5 tỉ đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty CP Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ đối với mỗi công ty.

Ngày 10-9-2010, Công ty Lavenue thành lập, song chỉ 10 ngày sau đó cả 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho Công ty Kido. Số lượng cổ phần chuyển nhượng của mỗi đơn vị là 1,25 triệu, giá chuyển nhượng là 50.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền mỗi công ty thuộc Bộ Công Thương nhận được là 62,5 tỉ đồng. 

Trừ số tiền vay (12,5 tỉ đồng) ban đầu của Kido, mỗi công ty thuộc Bộ Công Thương thu lợi 50 tỉ đồng. Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước này không tốn một đồng vốn nào đã kiếm lời được 200 tỉ đồng từ dự án.

Khởi tố, bắt ông Nguyễn Thành Tài - nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài về những sai phạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phan - Hoàng Triều - Lê Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN