Vì sao nguyên nhân cá chết công bố chậm?
Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã có giải đáp về vấn đề này trong cuộc họp báo chiều nay 30/6.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (áo xanh) trả lời 2 câu hỏi đầu tiên trong cuộc họp báo diễn ra chiều 30/6. (Ảnh: VTV News)
Trước câu hỏi của phóng viên VTV về việc công bố kết luận nguyên nhân cá chết này được coi là chậm so với mong mỏi của dư luận. Lý do của việc chậm trễ này? Biện pháp khắc phục?, Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việc đánh giá nguyên nhân đòi hỏi rất phức tạp. Vùng xảy ra hiện tượng ô nhiễm cũng rất rộng nên cần xem xét một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo đúng, đủ chứng cứ. Câu hỏi không chỉ là tại sao mà còn phải là ai gây ra hiện tượng này. Vì vậy 3 nhóm công việc đã được triển khai.
Thứ nhất, phải giải thích được là hiện tượng gì, cơ chế gì gây ra việc hải sản chết dần từ Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế. Thứ hai, phải trả lời nguồn gây ô nhiễm tại đâu. 2 vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau.
Phóng viên VTV đặt câu hỏi
Để trả lời câu hỏi Ngày 23/4 Bộ Nông nghiệp công bố kết luận độc tố cực độc trong nước làm cá chết. Ngày 27/4, Bộ KH-CN nói cá chết do hiện tượng thuỷ triều đỏ . Vậy tại sao sau 3 tháng lại có kết luận khác như hiện nay? của phóng viên Vietnamnet, ông Hà cho biết đã huy động hơn 100 nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia, xem xét đánh giá các mẫu vật từ cá, từ đáy biển, nước biển, rặng san hô… Sau nữa phải thực hiện hồi tố lại sự việc, nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để lần ngược theo các dấu vết để lại. Đây là công việc rất vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Có rất nhiều thí nghiệm phải thực hiện, trong đó có những thí nghiệm tìm kim loại nặng phải vài tuần mới có kết quả, thậm chí phải huy động các phòng thí nghiệm hiện đại ở nước ngoài tham gia.
Ông Hà cho biết thêm: Thủ tướng cũng chỉ đạo các chứng cứ phải khoa học và thuyết phục nên các cơ quan lại phải tổ chức phản biện độc lập, trưng cầu giám định của các cơ quan độc lập nước ngoài. Từ đó đã xác định được hợp chất độc tố có trong nước biển là phenol xianua kết hợp với Hidro ôxit sắt lấy đi toàn bộ oxy trong nước biển ở những nơi nó đi qua. Dấu vết để lại trên mặt đáy biển.
Hàng loạt vấn đề khác được xem xét từ nguồn xả thải Formosa, việc vận hành hệ thống xả thải, xác định được lò luyện cốc trong quá trình sản xuất thép. Từ đó, đối tượng được khoanh vùng dần và cuối cùng nhà sản xuất đã phải chấp nhận những chứng cứ truy ngược dần được đưa ra.
Thực tế, khi đó Bộ Khoa học – Công nghệ đã loại trừ các nguyên nhân là chất thải từ con người sinh ra, chất sinh học (tức thuỷ triều đỏ, dù các nhà khoa học có ghi nhận hiện tượng đó) và quá trình này mất 2 tháng để thực hiện. Từ đó mới khẳng định được phenol xianua là thủ phạm. Các chứng cứ đưa ra đảm bảo căn cứ mà Fomosa đã phải thừa nhận.
“Chúng tôi đã làm cẩn trọng, đúng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ” – ông Trần Hồng Hà khẳng định.