Vì sao người lao động ở Bình Dương đổ xô đi rút BHXH một lần?

Dịch bệnh kéo dài, mất việc làm khiến không ít người lao động ở Bình Dương rơi vào cảnh khó khăn. Ngoài ra, thời gian hưởng lương hưu kéo dài khiến nhiều người không kiên nhẫn chờ đợi. Đây được xem là lý do khiến số lượng hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần ở địa phương này tăng lên đáng kể.

Ngày 16/12, bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Dương cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong tháng 9 chỉ có hơn 1.500 người làm hồ sơ nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, đến tháng 11 có gần 7.000 hồ sơ. Trong 11 tháng đầu năm 2021, Bình Dương có 56.566 người nộp hồ sơ nhận BHXH một lần.

Theo BHXH Bình Dương, con số trên nếu tính tổng 11 tháng để so sánh thì xấp xỉ bằng với năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh và kéo dài suốt hơn 4 tháng, người dân hạn chế đi giao dịch, nếu tính vài tháng trở lại đây thì con số đăng ký rút BHXH một lần tăng mạnh.

Người lao động đi đăng ký nhận tiền BHXH

Người lao động đi đăng ký nhận tiền BHXH

Theo ghi nhận, sau đợt dịch lần 4, tại Bình Dương số người lao động kết thúc hợp đồng lao động tăng. Trong khi đó, nhiều lao động nghỉ việc và chọn cách về quê. Đó cũng là lý do, Bình Dương đang cần tới trên 50.000 lao động sau khi doanh nghiệp tái sản xuất.

Về nguyên nhân người lao động hưởng BHXH một lần tăng, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương phân tích, hiện nay do yếu tố dịch bệnh, nhiều người lao động sau một thời gian làm việc có tâm lý trở về quê. Vì vậy muốn rút BHXH một lần để gom tiền xây nhà hoặc có vốn làm ăn, chi tiêu, giải quyết khó khăn trước mắt.

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết tháng 10 năm nay, hơn 6.400 người lao động nghỉ việc, rút bảo hiểm một lần, tăng hơn 40% so với tháng 10/2020. Lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương chiếm 60%, làm việc chủ yếu trong các nhà máy, mức lương đủ sống, ít có tích lũy... Họ có xu hướng về quê sau 10-15 năm làm công nhân, sức khỏe suy giảm.

"Nhiều người lao động nghỉ việc trở về quê. Số khác sau thời gian công ty tạm ngưng đã xin nghỉ hẳn để chuyển đổi việc làm nên muốn rút tiền trang trải cuộc sống. Dự báo, tới đây tình trạng nhận trợ cấp một lần tiếp tục tăng”, lãnh đạo BHXH Bình Dương thông tin.

Theo lãnh đạo BHXH Bình Dương, sau ít tháng về quê, không có việc làm, không có thu nhập đều đặn, cuộc sống tiếp tục khó khăn. Sau đó, người lao động phải trở lại các đô thị công nghiệp để tìm việc. Do đó, việc rút BHXH một lần là rất đáng tiếc đối với người lao động.

Không thể ngồi chờ đến già

Nói về lý do đăng ký rút tiền BHXH một lần, anh Trần Tấn Đ. (công nhân làm việc tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH năm 23 tuổi, đến nay cũng hơn 15 năm. Tôi tính đóng đủ 20 năm để hưởng hưu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi muốn rút tiền ra, bởi vì nếu muốn được hưởng hưu, tôi phải chờ thêm đến 17 năm nữa mới đủ 60 tuổi theo quy định. Làm sao tôi chờ được đến khi đó”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Cảnh (quê Hà Tĩnh, làm việc tại Bình Dương) cho biết, bản thân anh từng đóng BHXH nhưng sau đó rút ra với lý do biết đến bao giờ đủ tuổi để nhận. “Cần thay đổi chính sách cho độ tuổi hưởng lương hưu sớm hơn và theo thời gian bảo hiểm thay vì cố định. Ví dụ, ai đóng 10 năm, 15 năm trở lên và khoảng 45 tuổi trở lên thì cho hưởng. Như vậy, tỷ lệ người rút BHXH một lần sẽ giảm đi rất nhiều”, anh Cảnh nói.

Theo ghi nhận, các trường hợp đăng ký rút tiền BHXH một lần hầu hết do không thể chờ đến ngày nhận hưu. “Đây là việc ngoài ý muốn. Trước khi dịch bệnh bùng phát nhiều người nghĩ khác, sau khi kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, công việc bấp bênh rất nhiều người phải thay đổi kế hoạch. Thật sự đây là điều đáng buồn nhưng không có lựa chọn nào khác tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Lan (quê Thanh Hóa, làm việc tại TP Thuận An, Bình Dương) chia sẻ.

“Thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền để người lao động hiểu những thiệt thòi về lâu dài khi rút BHXH một lần. Việc rút BHXH một lần giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, song về lâu dài, nhất là khi đến tuổi già không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương.

Báo động ồ ạt rút BHXH một lần

Số NLĐ rút BHXH 1 lần tăng đột biến, dấy lên những lo ngại khi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ mà còn tác động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN