Vì sao người lái xe phải thi lại lý thuyết ngay khi giấy phép hết hạn?
Quy định phải thi lại lý thuyết ngay khi giấy phép lái xe hết hạn nhằm thực hiện theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và ôn lại kiến thức cho người lái xe.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Văn bản này hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo thông tư mới, người có giấy phép lái xe ôtô các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới một năm sẽ phải sát hạch lý thuyết để đổi giấy phép. Nếu giấy phép quá hạn từ một năm trở lên, người lái phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong sa hình và trên đường trường.
Quy định này có phần siết chặt hơn so với hiện nay. Người lái xe hiện có giấy phép quá hạn 3 tháng vẫn được đổi mà không phải sát hạch lý thuyết.
Lý giải sự thay đổi này, đại diện Ban soạn thảo thông tư cho biết theo Thông tư 12/2017, người có giấy phép lái xe quá hạn chưa quá 3 tháng được đổi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 62 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ không cho phép đổi, cấp lại đối với trường hợp này.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định người có giấy phép lái xe được cấp đổi trong các trường hợp như: Giấy phép bị mất; bị hỏng không còn sử dụng được; trước thời hạn ghi trên giấy phép.
Theo Ban soạn thảo, khi giấy phép lái xe hết hạn có nghĩa là hết hiệu lực sử dụng, người dân không còn được dùng giấy đó nữa. Để có bằng lái xe mới thì người lái cần thi lại lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, Thông tư 35 mới ban hành cho phép người lái chỉ phải sát hạch lại lý thuyết để hỗ trợ người dân.
Việc sát hạch lại lý thuyết còn hỗ trợ nâng cao nhận thức, ôn lại kiến thức cho người lái. Trước khi ban hành, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các cơ quan về dự thảo Thông tư 35, nhận được sự đồng thuận.
Mẫu giấy phép lái xe mới, sẽ được sử dụng từ năm 2026. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải
Đồng tình quy định trên, TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng Công ty tư vấn OCG Nhật Bản, cho biết ở Nhật Bản, người dân khi đổi giấy phép lái xe cả trước và sau khi hết hạn đều phải đào tạo lại. Mục đích giúp người lái xe cập nhật quy định mới liên quan đến an toàn giao thông, các vấn đề người dân cần lưu ý. Thời lượng tập huấn trung bình 2-3 giờ.
Với những người vi phạm quy định giao thông đường bộ, đã bị trừ nhiều điểm thì thời gian học lý thuyết là 1-2 ngày, sau đó sẽ được cấp lại giấy phép lái xe.
Ông Bình cho rằng tại Việt Nam, ý thức lái xe của nhiều người chưa cao nên việc tập huấn, sát hạch lại lý thuyết khi đổi bằng lái xe là cần thiết, không chỉ sau khi hết hạn giấy phép theo như Thông tư 35. Việc tập huấn, sát hạch lại lý thuyết cần đơn giản, không làm mất nhiều thời gian.
Các chuyên gia Nhật Bản luôn khuyến cáo cơ quan quản lý phía Việt Nam cần cập nhật kiến thức để nâng cao hiểu biết cho người lái xe, bởi hiện người lái được sát hạch lý thuyết chỉ một lần lúc cấp bằng. "Không phải ai cũng có ý thức cập nhật kiến thức lái xe sau một thời gian dài", ông Bình nói.
Trái với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng yêu cầu người lái xe sát hạch lại lý thuyết ngay khi hết hạn giấy phép là chưa hợp lý vì mang tính xử phạt, trong khi nhiều người do sơ suất mà không đi đổi giấy phép. Thực tế có nhiều tình huống phát sinh như họ phải đi công tác, thăm con, ốm đau đột xuất nên không thể đổi giấy phép dù đến hạn.
Theo ông Quyền, cả nước có hơn 12 triệu giấy phép lái xe ôtô, trong đó chỉ khoảng 10% lái xe chuyên nghiệp, thường xuyên sử dụng bằng lái, còn lại nhiều lái xe không chuyên, một chiếc xe có nhiều người lái nên có thể nhiều người không chú ý đến thời hạn giấy phép lái xe.
Ông Quyền cho rằng cần giữ nguyên quy định như Thông tư 12/2017, người có giấy phép lái xe quá hạn sử dụng 3 tháng vẫn được đổi giấy phép mà không phải sát hạch lại lý thuyết; từ 3 tháng đến dưới một năm phải sát hạch lý thuyết. Nếu cần thiết, Bộ Giao thông Vận tải có thể quy định là giấy phép lái xe hết hạn sau một tháng thì người dân vẫn được đổi để tạo điều điện cho người dân.
"Quy định hiện tại đã được nhiều người lái xe ghi nhớ, không phát sinh vướng mắc thì không cần thiết sửa đổi", ông Quyền nói.
Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về phân hạng giấy phép lái xe. Luật quy định 15 hạng gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E, tăng 2 hạng so với luật hiện hành.
Luật cũng quy định người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại trong các trường hợp như: Giấy bị mất; bị hỏng không còn sử dụng được; trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe; thay đổi thông tin ghi trên giấy phép; giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng; giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Đó là một trong những điểm đáng chú ý trong Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) vừa được Bộ Giao thông vận...
Nguồn: [Link nguồn]