Vì sao ngôi làng cổ ở Hà Nội mang tên Trinh Tiết?

Sự kiện: 24h vạn dặm

Chiếc cổng làng đồ sộ ở ngoại thành Hà Nội có gắn 2 chữ Trinh Tiết khiến nhiều người tò mò.

Làng cổ hàng ngàn năm tuổi

Nằm ở ngay trục đường chính dẫn vào chùa Hương, chiếc cổng làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là điểm nhấn với nhiều du khách khi lần đầu qua đây. Chiếc cổng làng được xây to, đẹp, khang trang là nơi người dân qua lại hằng ngày.

 Chiếc cổng làng Trinh Tiết nằm ở mặt đường lớn thu hút nhiều sự chú ý của người qua đường

 Chiếc cổng làng Trinh Tiết nằm ở mặt đường lớn thu hút nhiều sự chú ý của người qua đường

Trước lối vào cổng được trồng nhiều cây xanh rợp bóng mát. Hai bên bố trí những hàng ghế đá để người dân nghỉ chân… một địa điểm lý tưởng để người dân ngồi nghỉ ngơi, hóng gió vào mùa hè.

“Mấy năm nay, dịch nên ít người qua lại hơn chứ như mọi năm, người ta đi chùa Hương dừng lại từng đoàn, từng đoàn ở đây chụp ảnh với cổng làng”, một người dân trong thôn chia sẻ.

Theo quan sát của PV, về kiến trúc, chiếc cổng làng dù to, đẹp nhưng nó không có gì là nổi trội so với cổng làng ở nhiều nơi khác. Điểm đặc biệt của nó có lẽ nằm ở 2 chữ “Trinh Tiết” gắn trên cổng.

Trong từ điển văn học Việt Nam, trinh tiết là khái niệm để chỉ một người chưa từng quan hệ tình dục; trinh nữ là từ để chỉ người con gái còn trinh tiết. Hoặc hiểu rộng hơn, trinh tiết còn dùng để chỉ người phụ nữ cả đời luôn giữ gìn đạo đức bản thân và chung thủy với chồng của mình (không quan hệ tình dục trước khi lấy chồng và sau khi lấy chồng không quan hệ với ai, chồng mất không đi bước nữa).

Cái tên “Làng Trinh Tiết” vừa độc, lạ khiến nhiều du khách có dịp ghé qua tò mò. Tại sao ngôi làng lại có tên như vậy? Câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu.

Hai mặt trước và sau cổng có gắn 2 tên của làng qua các thời kỳ khác nhau

Hai mặt trước và sau cổng có gắn 2 tên của làng qua các thời kỳ khác nhau

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Bình (70 tuổi) – thủ từ đình Tổng, nguyên Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Trinh Tiết cho hay, làng Trinh Tiết đã có tuổi đời hàng ngàn năm. Thời An Dương Vương, làng tên là Bối Lang.

Làng nằm bên dòng sông Đáy quanh năm nước chảy hiền hòa, phù sa màu mỡ. Tận dụng địa thế trời ban, dân làng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ. Nghề này đã phát triển rực rỡ ở nơi đây. Những mặt hàng thủ công do chính những người con gái làng làm ra đem bán ở chợ Sêu. Từ đó, người ta quen gọi đây là làng Sêu.

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông ngao du thuyền trên sông Đáy nhìn thấy cảnh sắc làng Sêu thơ mộng nên đã lên bờ thăm thú. Các cụ trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do chính những thiếu nữ trong làng thêu. Vua rất hài lòng.

Ông Nguyễn Tiến Bình (70 tuổi) – thủ từ đình Tổng, nguyên Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Trinh Tiết

Ông Nguyễn Tiến Bình (70 tuổi) – thủ từ đình Tổng, nguyên Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Trinh Tiết

Sau khi trò chuyện với các cụ cao niên, nhà Vua biết được câu chuyện bà Trần Thị Thanh – một người phụ nữ trong làng mất chồng nhưng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cảm động trước tấm lòng son sắt, thủy chung của người phụ nữ nơi đây, Vua đã đổi tên làng thành Trinh Tiết. Con của bà Trần Thị Thanh sau được suy tôn làm Thành hoàng làng Trinh Tiết.

Chính bởi vậy, ngày nay, trên chiếc cổng làng, mặt trước hướng ra đường lớn người dân để tên là Làng văn hóa Trinh Tiết, còn mặt hướng về làng vẫn để tên là Làng Sêu.

Chuyện về Thành hoàng làng

Lại nhắc về câu chuyện của bà Trần Thị Thanh. Theo Lịch sử Đảng bộ làng Trinh Tiết, bà là người có vẻ đẹp sắc nước hương trời, được nhiều người si mê. Bà đem lòng yêu chàng trai có tên Nguyễn Đức Minh ở đất Ái Châu (sau đổi là Thanh Hóa). Ông Minh khi đó làm nghề “tướng địa” (xem phong thủy), ngao du khắp nơi nhưng khi đến làng Trinh Tiết gặp thế đất đẹp đã ở lại hành nghề rồi nên duyên với bà Thanh.

 Đình làng Trinh Tiết – nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Đức Bảo

 Đình làng Trinh Tiết – nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Đức Bảo

Hai người cưới nhau, tuy nhiên, sáu năm sau ngày vu quy họ vẫn chưa có con nên hai vợ chồng dắt nhau lên chùa Hương Tích cầu đảo. Lời nguyện cầu ứng linh, không lâu sau họ sinh được một người con trai, đặt tên là Nguyễn Đức Bảo (hay còn gọi là Bảo Công, sinh ngày 8/6/524).

Khi cậu bé Bảo Công lên sáu tuổi thì bố mất. Làm ma, chôn cất chồng xong, hai mẹ con bà Thanh rơi vào cảnh nghèo túng, khổ cực. Cuộc sống khó khăn nhưng người mẹ vẫn rất mực thủy chung thờ chồng, một mình làm thuê, làm mướn nuôi con.

Bảo Công hằng ngày đi chăn trâu cho phú ông để đỡ đần mẹ. Ngày ngày, cậu bé đuổi trâu ra đồng rồi cùng đám trẻ mục đồng trong làng tập đánh trận giả. Các cậu bé lấy bông lau, cành cây… làm ngọn cờ. Bảo Công luôn thể hiện được tài thao lược, chỉ huy “trận” nào đánh thắng “trận” đó.

Năm Bảo Công 15 tuổi, thú dữ thường kéo đến làng bắt người và giết hại gia súc. Bảo Công tập hợp được một đám trai tráng vào rừng lùng hổ, diệt beo giúp dân làng yên ổn làm ăn. Nhiều người phục ông có sức khỏe phi thường lại có tài mưu trí hơn người nên đi theo giúp sức. Ông tập hợp được vài trăm người, luyện tập võ nghệ giữ yên một vùng.

Đến năm 550, giặc Lương đem quân xâm lược nhà nước Vạn Xuân. Vua Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương) lúc bấy giờ đã đích thân đến mời Bảo Công cùng đánh đuổi giặc. Bảo Công được phong làm Đốc lĩnh binh nội vệ thống lĩnh ba vạn hùng binh tiến thẳng đầm Dạ Trạch (Hưng Yên ngày nay) đánh cho quân Lương tan tác, bỏ chạy về nước.

Bảo Công sau khi đánh tan giặc Lương được phong tước. Nhà Vua thưởng cho nhiều vàng bạc, lụa là gấm vóc.

Một thời gian sau, hay tin mẹ mất, ông về quê chịu tang mẹ ba năm. Lúc này, Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) dùng mưu thâm hiểm, vờ xin cưới con gái Triệu Việt Vương cho con trai mình để làm lành. Bảo Công đến kinh thành khuyên Vua về dã tâm của Lý Phật Tử và đừng gả con gái. Hết lời can ngăn mà nhà Vua không nghe, Bảo Công từ quan về quê sinh sống.

Năm 574, Bảo Công cùng mấy người nhà đi thăm thú mảnh đất khi xưa ông từng chăn trâu, tập đánh trận giả thì trời đột ngột nổi mây gió, một lúc sau thì ông mất. Người nhà hô hoán, dân làng chạy đến đã thấy mối đùn thành mộ. Mọi người lập đền thờ tại nơi ông hóa và suy tôn làm Thành hoàng làng.

-------------

Không chỉ tên làng có phần kỳ quặc, làng Trinh Tiết ngày xưa còn một tục lệ “có một không hai”, đó là con gái làng khi đi lấy chồng phải góp 200 viên gạch để lát đường làng. Mời đón đọc kỳ 2: Chuyện làng Trinh Tiết: Con gái xưa đi lấy chồng phải góp gạch lát đường vào lúc 10h ngày 10/3 trên mục Tin tức trong ngày. 

Nguồn: [Link nguồn]

Ký ức kinh hoàng ở “làng động đất”

Dù đã 10 năm nhưng ký ức về những ngày tháng động đất xảy ra như cơm bữa vẫn ám ảnh người dân Cao Xanh (Hạ Long - Quảng Ninh).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN