Vì sao ngày càng có nhiều cô giáo đánh trẻ?

Sự kiện: Thời sự

“Tôi thấy hành vi này là phản cảm, phi giáo dục. Chúng tôi rất buồn và thực sự rất sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được hai cô giáo cầm dép đánh trẻ”, đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ.

Vì sao ngày càng có nhiều cô giáo đánh trẻ? - 1

Cô giáo đánh trẻ mầm non. Ảnh cắt từ clip.

Trên mạng xã hội xuất hiện clip gây bức xúc cho nhiều người xem về cảnh một giáo viên trường mầm non Sen Vàng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm dép đánh vào đầu, tát, chửi mắng trẻ mầm non khiến bé khóc khản tiếng.

Xung quanh sự việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT.

Là người quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước, ông có cảm nghĩ như thế nào sau khi xem clip ghi lại hình ảnh cô giáo cầm dép đánh, chửi mắng trẻ?

Tôi thấy hành vi này là phản cảm, phi giáo dục. Chúng tôi rất buồn và thực sự rất sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được của hai cô giáo đối với trẻ. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ. Cô giáo không có ý thức trách nhiệm với vai trò của người dạy dỗ trẻ.

Theo ông vì sao ngày càng có nhiều vụ giáo viên bạo hành trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non? Phải chăng, các cơ quan quản lý chưa xử lý triệt để nên nhiều trẻ vẫn bị giáo viên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”?

Trẻ bị đánh đập nhiều có nhiều nguyên nhân trong đó thiếu giáo viên mầm non chăm sóc trẻ là nguyên nhân khách quan.

Hiện nay, trên toàn quốc chỉ có 1,76 giáo viên/nhóm trẻ (25 học sinh).  Trong khi đó, theo quy định chuẩn phải có 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.

Mặc dù tình trạng thiếu giáo viên ở cơ sở mầm non vẫn tồn tại nhưng để cải thiện rất khó. Bởi ngày càng có nhiều trẻ trong khi đó Bộ Nội vụ lại có chính sách tinh giản biên chế, nên ngành giáo dục không thể tuyển thêm.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do giáo viên không có lòng yêu trẻ, không có ý thức trách nhiệm của nhà giáo và không tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, để xảy ra những sự việc này, trong khâu sơ tuyển giáo viên mầm non ở một số cơ sở chưa đạt. Chưa nhận thức được người này, người kia có năng khiếu yêu trẻ, thích làm việc gắn bó với trẻ.

Một lần nữa, trong sự việc này cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý giáo dục.

Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến cô giáo đánh học sinh là do số lượng học sinh quá nhiều?

Hành vi của cô giáo đánh trẻ rất đáng trách. Không thể vì học sinh nhiều mà các cô áp lực, chửi mắng, đánh đập trẻ. Điều này cho thấy các cô thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý.

Trong tình huống, trẻ đi vệ sinh (ị đùn) mà bị mắng, đánh sẽ làm các cháu sợ hãi, dễ gây tổn thương về mặt tâm lý.

Thay vì dọa, cô giáo cần dỗ dành, động viên, vỗ về trẻ… để tạo cho trẻ cảm giác gần gũi và an toàn, cháu sẽ không khóc nữa, nếu cháu vẫn không nín cô giáo có thể nhờ sự trợ giúp từ các đồng nghiệp.

Trong ngày đầu cháu đến lớp giáo viên cần phối hợp với cha mẹ chặt chẽ hơn bằng việc trao đổi kỹ với cha mẹ về thói quen sinh hoạt, nề nếp ăn ngủ của trẻ để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới…

Đã có không ít những sự việc đáng tiếc xảy ra tại các cơ sở trông giữ trẻ nhưng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao, nếu không quản lý được thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại với trẻ nhỏ, Bộ GD-ĐT có giải pháp gì, thưa ông?

Với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường, giảm bớt tình trạng quá tải trong các trường công lập.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ nhóm lớp tư thục không đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ….

Mặt khác, cần có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ cơ sở hoàn thiện thủ tục để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên.

Vậy, đối với những giáo viên đánh đập học sinh, theo ông cần xử lý như thế nào?

Trước hết phải xử lý nghiêm minh, không được nhờn Luật. Nếu giáo viên đánh học sinh phải xử lý giáo viên vi phạm, xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục. Mức cao hơn nữa là xem xét, rút giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Clip: “Trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu vì “ị” đùn”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN