Vì sao Nga sợ bán vũ khí cho Trung Quốc?

Trung Quốc đang giảm nhập khẩu vũ khí, phần lớn nhờ “ăn sẵn” công nghệ của Nga, cụ thể là sao chép từng thành phần một…

Ngày 25/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Moscow và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận bán công nghệ quân sự và vũ khí của Nga cho Trung Quốc, bao gồm 24 máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Amur. Tuy nhiên, tối cùng ngày, hãng thông tấn Nga ITAR-TASS phủ nhận thông tin này và cho biết, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga từ thứ 6 đến Chủ nhật tuần trước, hai bên không thảo luận vấn đề “hợp tác kỹ thuật quân sự”.

Trong thực tế, Nga và Trung Quốc đã có nhiều lần giao dịch vũ khí không suôn sẻ, mà Nga bị cho là bên thiệt thòi. Bài viết sẽ cho thấy góc nhìn của các nhà quan sát về việc Trung Quốc đã lợi dụng kỹ thuật quân sự của Nga như thế nào. 

Từ năm 2000 trở về trước hơn chục năm, Trung Quốc luôn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, thứ hạng của Trung Quốc giảm dần: Năm 2010 đứng hàng thứ 2, năm 2011 xuống thứ 4. Tính chung giai đoạn 2008-2012, Trung Quốc xuống vị trí thứ 2, sau Ấn Độ.

Nguyên nhân chính là Trung Quốc tự sản xuất được nhiều vũ khí, khí tài công nghệ cao mà trước đây nước này phải nhập khẩu. Theo các nhà phân tích, đằng sau hiện tượng này là việc Trung Quốc đã sao chép, đánh cắp công nghệ quân sự của nước ngoài với quy mô lớn.

Mua mồi để đánh cắp

Giới quan sát cho rằng, trong khi các món hàng “khủng” nhất được đánh cắp từ phương Tây (thường là qua internet), những thiết kế hữu ích nhất được đánh cắp từ Nga. Theo họ, năng lực sản xuất của Trung Quốc đối với nhiều công nghệ quân sự nước ngoài chưa đạt đến tiêu chuẩn châu Âu, nhưng nước này có thể tận dụng bản sao hữu ích của công nghệ Nga.

Những năm 90 của thế kỷ trước, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc rất lớn, có năm lên tới 2 tỷ USD. Nhưng đến năm 2006, mọi chuyện chấm dứt, "dòng lũ" co lại thành vòi nước nhỏ giọt. Tất cả là vì lý do thực tế. Theo các nhà phân tích, lý do là Trung Quốc sao chép, nếu không muốn nói là đánh cắp công nghệ quân sự Nga.

Vì sao Nga sợ bán vũ khí cho Trung Quốc? - 1

Máy bay chiến đấu Su-33 của Nga. (Nguồn: q-zon-fighterplanes.com)

Ví dụ, năm 2009, Nga từ chối bán cho Trung Quốc bất kỳ chiếc máy bay chiến đấu Su-33 nào, vì lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ đánh cắp thiết kế và sản xuất các bản sao một cách trái phép. Su-33 nặng 33 tấn là phiên bản chỉnh sửa (dùng cho tàu sân bay) của Su-27.

Trong vài năm, Trung Quốc thảo luận khả năng mua 50 chiếc Su-33. Nhưng khi Trung Quốc nói rằng, họ ban đầu chỉ mua hai chiếc phục vụ “mục đích đánh giá”, Nga lùi lại ngay, nói rằng sẽ không bán cho Trung Quốc bất kỳ chiếc Su-33 nào.

Nga đã sử dụng hai tá Su-33 trên tàu sân bay Kuznetzov, dù những chiếc máy bay này sau đó được thay thế bằng MiG-29K có những tính năng dành riêng cho hải quân.

Lý do đằng sau việc từ chối thương vụ Su-33 là Nga nhận ra rằng, Trung Quốc đã và đang sản xuất các phiên bản Su-27 một cách trái phép. Theo giới quan sát, Nga đã biết về việc đánh cắp này được một thời gian.

Tất cả bắt đầu vào năm 1995, khi Trung Quốc trả 2,5 tỷ USD cho quyền sản xuất 200 chiếc Su-27. Theo đó, Nga cung cấp động cơ và hệ thống điện tử. Nhưng sau năm 1995, khi lắp ráp xong máy bay Su-27, Trung Quốc hủy thỏa thuận với Nga. Trung Quốc nói rằng, họ sử dụng những kiến thức có được từ chương trình Su-27 để phát triển phiên bản nội địa của loại chiến đấu cơ này và đặt tên là J-11.

Nga giữ bí mật vụ sao chép này và cảnh cáo Trung Quốc rằng, việc chỉ đơn giản copy công nghệ Nga sẽ tạo ra những chiếc máy bay phế phẩm. Rõ ràng là Trung Quốc đã không đồng ý và tiếp tục sản xuất J-11 bằng công nghệ mà họ tuyên bố là do họ tự nghiên cứu, phát triển.

Sao chép từng phần

Một ví dụ sao chép trắng trợn nữa là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc mà nước này đem xuất khẩu. Các chuyên gia quân sự của Nga và nhiều nước phương Tây tin rằng, hệ thống này sử dụng công nghệ tương tự hệ thống tên lửa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.

Năm 2008, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận, theo đó Trung Quốc hứa dừng việc đánh cắp công nghệ quân sự Nga. Các nhà quan sát cho rằng, mục đích chính của thỏa thuận “hợp tác kỹ thuật quân sự” mới giữa Nga và Trung Quốc chỉ là để Trung Quốc ngừng xuất khẩu các bản sao vũ khí, khí tài Nga, cạnh tranh với sản phẩm gốc của xứ sở bạch dương.

Vì sao Nga sợ bán vũ khí cho Trung Quốc? - 2

Hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 của Trung Quốc bị coi là nhái S-300 của Nga. (Nguồn: Trishul Trident)

Thỏa thuận này đã đem lại kết quả nhất định. Nga sau đó đồng ý bán cho Trung Quốc 6 chiếc máy bay trực thăng chống tàu ngầm Helix. Theo các nhà phân tích, việc này có thể liên quan thỏa thuận Trung Quốc và Nga cùng phát triển máy bay trực thăng vận tải cỡ lớn, dựa trên loại hiện có là Mi-26T (máy bay nặng 20 tấn, có thể chở 80 hành khách).

Ngoài ra, có thể còn có một số thỏa thuận phát triển chung khác, nhằm sản xuất các phiên bản mới hơn của những thiết kế trực thăng Nga hiện có. Điều này có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên, các nhà phân tích nhận định.

Đó là vấn đề thời gian. Thập kỷ qua, chính phủ Nga cố gắng xử lý một vấn đề ngày càng trầm trọng là phía Trung Quốc làm ngơ, thậm chí khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí của mình đánh cắp công nghệ quân sự Nga. Họ thường không đánh cắp toàn bộ hệ thống vũ khí (như máy bay, tàu chiến), mà là các thành phần.

Radar và hệ thống điện tử thường bị copy, bằng cách sử dụng mẫu và dữ liệu kỹ thuật do các nhà sản xuất Nga cung cấp (nhằm bán được hàng). Vấn đề thường xảy ra là sau đó không có thương vụ nào được ký kết. Vài năm sau, Trung Quốc ra phiên bản nhái của hệ thống điện tử, tên lửa, radar Nga…

__________________________________

Nhiều quan chức quốc phòng, nhà phân tích quân sự cho rằng, dù Nga không bán Su-35 và tàu ngầm Lada cho Trung Quốc thì nước này vẫn tìm mọi cách làm nhái để xuất khẩu với giá thấp hơn. Tuy nhiên, điều này có dễ dàng?

Mời độc giả đón đọc bài: TQ có đủ khả năng sao chép máy bay Su-35? vào 19h00 28/3/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thạch Vũ (theo Strategy Page, Moscow Times, CBS News) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN