Vì sao Mỹ cần bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?
Chuyên gia quốc phòng nêu những lý do Mỹ cần sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ ngày càng giảm sút và Mỹ đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới trên toàn cầu, nước này cần có những đối tác mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á, nơi Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đe dọa vị thế của Mỹ.
Tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông
Ngày 18/9, chuyên gia quốc phòng Paul J. Leaf đã viết một bài phân tích trên tờ The Diplomat có trụ sở ở Nhật và cho rằng Mỹ cần phải chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để nâng cao sức mạnh quốc phòng cho Việt Nam.
Năm 1984, Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, và lệnh cấm này chỉ được nới lỏng vào năm 2007 khi chính quyền của cựu Tổng thống Bush cho phép xuất khẩu vũ khí phi sát thương tới Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và chuyên gia Leaf cho rằng Washington cần phải nhanh chóng thay đổi chính sách này vì chính lợi ích của nước Mỹ.
Theo ông Leaf, môi trường an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ để thực hiện tham vọng vươn ra biển lớn, đồng thời biến các vùng biển xung quanh thành “ao nhà”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (phải) và người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel
Ông Leaf cho rằng Trung Quốc đã sử dụng nguồn ngân sách quốc phòng khổng lồ để chế tạo những loại vũ khí mới, hiện đại hơn nhằm chống lại sự tiếp cận của Mỹ trong các vùng biển và không gian lân cận.
Với sự tự tin vào sức mạnh quân sự của mình cũng như thái độ hoài nghi quyết tâm “xoay trục châu Á” của Mỹ, Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn, hung hăng hơn trên các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng.
Một trong những điểm nóng được ông Leaf chỉ ra là Biển Đông, nơi có hơn một nửa lượng hàng hóa của thế giới đi qua, và cũng là nơi có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Tuy nhiên, vùng biển này đang ngày càng sôi sục với những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Hồi tháng Một, Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải có giấy phép của nước này cấp mới được đánh bắt cá trên 90% diện tích của Biển Đông. Đến tháng Năm, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của cộng đồng thế giới.
Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 5
Đến hồi tháng trước, Bắc Kinh thẳng thừng gạt bỏ đề xuất của Mỹ và Philippines kêu gọi “đóng băng” mọi hành động làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực đào đắp, biến nhiều bãi đá ngầm thành đảo và xây nhiều ngọn hải đăng trên những hòn đảo mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam.
Theo ông Leaf, Việt Nam có thể trở thành một lực lượng cân bằng rất mạnh đối với Trung Quốc. Việt Nam có dân số lớn thứ 13 trên thế giới (gần 100 triệu người) và có lực lượng quân đội chính quy lớn thứ 11 trên thế giới, cùng một nền kinh tế được dự đoán đến năm 2025 sẽ xếp thứ 17 trên toàn cầu.