Vì sao mèo còn có tên gọi khác là “tiểu hổ”?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Từ một loài vật nuôi gần gũi với con người, mèo được đưa lên bàn nhậu với tên gọi rất sanh chảnh là “tiểu hổ”.

GS Nguyễn Văn Thanh Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

GS Nguyễn Văn Thanh Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Loài vật gần gũi trở thành mồi nhậu

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Thanh – Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), trước đây, mèo tuy không phải là vật nuôi kinh tế nhưng đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều gia đình vì có khả năng bắt chuột, bảo vệ mùa màng, thành quả lao động cho người nông dân.

Khi lũ chuột hoành hành, mèo được khuyến khích nuôi. Người ta còn phải làm cam kết không thịt mèo, không thiến mèo đực… để đàn mèo phát triển.

Thế nhưng, khi loài chuột dần được kiểm soát thì mèo lại trở thành thú cưng với người này, nhưng cũng có thể là một món nhậu với người khác. Chúng được các đầu bếp chế biến thành nhiều món khác nhau và được gọi với cái tên sang chảnh, đó là món: Tiểu hổ.

Với một người yêu mèo, quý mèo như con và dành hàng chục năm nghiên cứu về loài vật này thì ông Thanh thật khó chấp nhận việc chúng bị đưa lên bàn nhậu.

Lý giải về cái tên “tiểu hổ”, ông Thanh cho rằng, sở dĩ mèo được gọi là “tiểu hổ” vì chúng có nhiều đặc điểm chung. Đầu tiên, chúng cùng thuộc họ Mèo. Sau đó, mèo và hổ đều giống nhau từ dáng dấp, đặc tính rình mồi, săn mồi và đôi khi là màu lông… Do đó, để nâng cấp món ăn của mình lên, người ta đã gọi mèo là “tiểu hổ”.

“Đây chỉ là tên gọi phổ biến trong giới ăn nhậu, còn trong nghiên cứu khoa học, mèo vẫn gọi là mèo, hổ vẫn gọi là hổ”, ông Thanh nói.

Không cần tắm, chỉ cần liếm lông vẫn sạch sẽ

Mèo chỉ cần liếm lông nhưng quanh năm đều rất sạch sẽ. Ảnh minh họa: Pet Central

Mèo chỉ cần liếm lông nhưng quanh năm đều rất sạch sẽ. Ảnh minh họa: Pet Central

GS Thanh cho biết thêm, mèo còn có rất nhiều đặc tính nổi trội. Ban đêm khi mèo chạy đuổi chuột quanh phòng, người ta không nghe thấy tiếng bước chân của nó, cũng không nghe thấy tiếng động khi mèo nhảy từ trên cao xuống. Đó là vì móng của mèo được bảo vệ bởi lớp da dày và mềm.

Các móng sắc nhọn của mèo có thể duỗi ra hay co vào. Khi mèo bắt chuột thì các móng duỗi ra, còn khi đi thì nó thu gọn lại. Điều đó giúp cho bước chân của mèo không gây tiếng động và móng của nó cũng không bị mòn đi.

Bên cạnh đó, loài mèo trong cả cuộc đời của nó có khi không cần tắm lần nào nhưng không hề có mùi hôi. Điều này khác hoàn toàn so với các vật nuôi khác trong gia đình.

Nhiều người hay thấy mèo phơi nắng, nằm dưới đất liếm lông nên cho rằng nhờ vậy mà lông của nó trở nên sạch sẽ và mượt mà hơn.

“Thực chất chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này cả. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, trong nước bọt của mèo có một loại enzyme có thể trung hòa hết các mùi hôi, tanh.

Khi con mèo vừa ăn cá xong, có thể là cá sống nhưng chúng ta ôm nó lên, vuốt ve mà không hề thấy mùi tanh, đó là nhờ vào loại enzyme ấy.

Cùng với đó, mèo liếm lông là để làm sạch cơ thể, loại bỏ bụi bẩn bám trên lông. Việc này còn giúp ích cho việc phân bố dầu tự nhiên trên da của chúng đều khắp cơ thể để lông trở nên óng mượt hơn”, ông Thanh chia sẻ.

Râu mèo có vai trò rất quan trọng đối với tính cách và cuộc sống của loài mèo. Ảnh minh họa internet

Râu mèo có vai trò rất quan trọng đối với tính cách và cuộc sống của loài mèo. Ảnh minh họa internet

Ngoài ra, râu của mèo cũng có vai trò rất quan trọng. Những chiếc râu là cơ quan cảm giác, rất nhạy cảm, giúp chúng phát hiện sự thay đổi nhỏ nhất trong hướng di chuyển một cách dễ dàng, nhất là hỗ trợ khi trời vào đêm.

Râu mèo dựa trên sự thay đổi của không khí trong không gian xung quanh, từ đó giúp con vật chạy nhảy thoải mái trong nhà vào ban đêm mà không va phải những đồ vật trong nhà.

“Nếu chúng ta cắt râu của mèo đi thì chúng gần như bị mù. Mèo sẽ khó xác định vị trí và gần như mất hoàn toàn phương hướng khi di chuyển vào ban đêm. Chúng rất dễ va chạm hay bị mắc kẹt khi đi lại, không thể bắt chuột hoặc không thể tính toán quỹ đạo khi leo trèo, chạy nhảy.

Mất râu, mèo cũng trở nên “khép kín” hơn, không còn năng động nữa, thậm chí biếng ăn và ngủ nhiều hơn bình thường”, ông Thanh chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

70 linh vật mèo đã lộ diện trên đường hoa Nguyễn Huệ ở TP.HCM

Hàng chục hình ảnh linh vật mèo được cách điệu thể hiện đa dạng về kích thước, chất liệu đã lộ diện suốt hơn 600m đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN