Vì sao máy bay chở 203 khách hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh?

Sự kiện: Tin nóng Khánh Hòa

Tổ điều tra sự cố máy bay chở 203 hành khách và phi hành đoàn 7 người hạ cánh nhầm đường băng tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) của Cục Hàng không Việt Nam ngày 30-4 đã lên đường phục vụ công tác điều tra.

Nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận sáng nay 30-4, Tổ điều tra sự cố hạ cánh nhầm đường băng đang thi công tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã lên đường phục vụ công tác điều tra. Một trong những nội dung quan trọng là thu giữ hộp đen máy bay để giải mã, đánh giá tình huống dẫn đến sự cố. Dự kiến công việc điều tra sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần.

Vì sao máy bay chở 203 khách hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh? - 1

Tàu bay VN7344 nằm trên đường băng đang xây dựng - Ảnh: Viettimes

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, chiều 29-4, chuyến bay VN7344 từ TP HCM đi Khánh Hòa đã hạ cánh xuống đường băng số 02 của sân bay quốc tế Cam Ranh trong khi sân bay này mới hoàn thiện hơn 90% khối lượng thi công của giai đoạn và chưa được đưa vào khai thác. Hiện nay, gần như toàn bộ đường băng đã được trải thảm bề mặt bê tông xi măng, chờ được lắp thiết bị vận hành như đèn tín hiệu, biển báo...

Đánh giá về khả năng dẫn đến tình huống đáp nhầm đường băng, một phi công kỳ cựu lái máy bay thương mại cho biết loại trừ yếu tố thời tiết, thông thường, nguyên nhân đáp nhầm đường băng có thể do lỗi của phi công, cơ quan không lưu, cảng hàng không hoặc hội tụ của tất cả các yếu tố trên.

Trong sự cố đáp nhầm đường băng số 02 đang thi công ở sân bay Cam Ranh, các tình huống đặt ra là có thể lỗi do phi công VN7344 chưa quen sân. Cơ trưởng VN7344 là người Mỹ, mới lái cho Vietnam Airlines từ tháng 1-2018. Do đặc thù là sân bay có địa hình phức tạp, nhà chức trách hàng không Việt Nam yêu cầu tất cả các phi công bay đến Cam Ranh đều phải được Cục HKVN phê chuẩn phương thức hạ cánh ở đầu 02 (trong số 24 sân bay cả nước chỉ có sân bay Cam Ranh và sân bay Đà Nẵng yêu cầu phi công phải được phê chuẩn phương thức hạ cánh).

Khả năng thứ 2 là đơn vị thi công không thực hiện đánh dấu đường băng không được sử dụng. Theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các khu vực nằm trong khu bay đang thi công, không được sử dụng phải được đánh dấu bằng đèn tín hiệu và vạch sơn để phi công nhận biết rõ ràng.

Khả năng thứ 3 là do lỗi của Đài chỉ huy không lưu. Trong tình huống của VN7344, khả năng ra huấn lệnh nhầm đường băng là rất thấp. Vì theo quy định, mỗi đường băng đi vào hoạt động đều phải có phương thức cất/hạ cánh, bao gồm phương thức bay ra/vào, độ cao và bay hiệu chỉnh để kiếm tra, sau đó công bố hoạt động. Vì đường băng 02 đang thi công nên chưa có phương thức bay để cấp huấn lệnh nhầm. Tuy nhiên, trong phối hợp giữa các bên, sau khi cấp huấn lệnh hạ cánh, kiểm soát viên không lưu từ đài chỉ huy sân bay thường quan sát qua ống nhòm kiểm tra xem máy bay có hạ cánh đúng vị trí hay không...

Một chuyên gia phụ trách công tác an toàn trong ngành hàng không phân tích: đây là tình huống "máy bay đi vào đường băng không được phép" và là sự cố hàng không nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Rất may là toàn bộ hành khách và phi hành đoàn gồm 203 người trên chuyến bay VN7344 đều an toàn. May mắn thứ nhất là đường băng đã được trải thảm bê tông xi măng, thứ hai là máy bay đã không cán vào các thiết bị, chướng ngại vật ở dưới mặt đất.

Ở độ cao 200-300 m lao xuống, phi công chỉ có thể nhìn thấy những chướng ngại vật lớn như ô tô, người đi lại dưới đường băng chứ không thể nhìn thấy những dụng cụ thi công. Chỉ cần đá vào bất cứ vật dụng gì, nó cũng có thể bắn trở lại máy bay, gây gãy cánh, gãy càng, nổ lốp khiến máy bay lao ra ngoài đường băng, dễ gây cháy nổ. Nguy hiểm hơn, nếu có vật gì bắn vào động cơ hoặc bắn vào thùng dầu cũng có thể gây cháy nổ.

Vietnam Airlines cho biết ngay sau sự việc, hãng đã đình chỉ ngay tổ bay, yêu cầu giải trình. Đồng thời tổ chức ngay đoàn công tác riêng của hãng vào hiện trường tể kiểm tra. Hiện nay, đoàn công tác của Vietnam Airlines đang phối hợp chặt chẽ và đầy đủ với đoàn công tác của cục hàng không để điều tra, xác định nguyên nhân. 

Trước sự cố này, Vietnam Airlines cũng đã cảnh báo toàn hệ thống và yêu cầu rà soát toàn bộ hoạt động khai thác tại các sân bay để kiểm tra, đánh giá khả năng xảy ra sự việc tương tự. "Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của lãnh đạo hãng là minh bạch và rõ ràng thông tin, hợp tác toàn diện với Cục hàng không và các cơ quan chức năng liên quan để điều tra thông tin, xác định nguyên nhân và tìm ra các biện pháp xử lý liên quan đến Vietnam Airlines. An toàn, an ninh hàng không trong khai thác vấn đề ưu tiên số một"- đại diện hãng khẳng định.

Hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh: ”Là lỗi vi phạm cực kỳ nghiêm trọng”

Các chuyên gia cho rằng, việc hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh là một lỗi cực kỳ nguy hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN