Vì sao Lễ hội có màn rước 'của quý' khổng lồ kém vui

Tan hội Ná Nhèm nhiều người nhận xét “năm nay không “phê” bằng những năm trước”, nhưng ít người biết rằng do đình làng Mỏ gần sập, suýt nữa Lễ hội Ná Nhèm năm nay bị hủy.

Vì sao Lễ hội có màn rước 'của quý' khổng lồ kém vui - 1

Các bà then múa, khấn đuổi tà ma, hộ tống đoàn rước. Ảnh: Lan Hương

Vào sáng ngày 15 tháng Giêng, như thường lệ đã 5 năm nay, hàng ngàn du khách đổ về làng Mỏ (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) để xem màn rước “của quý” khổng lồ.

Trang phục đoàn rước, đạo cụ, phụ kiện trang trí vật cúng vua tàng thinh mặt nguyệt (sinh thực khí nam/ nữ) được lưu giữ tốt cộng với nắng đẹp nên màu sắc lễ hội vẫn tưng bừng. Chỉ những người từng dự những năm trước mới phát hiện ra không khí hội hơi chệch choạc, chủ thể lễ hội kém nhiệt tình. Các thanh niên vừa khiêng trống kiệu vừa trêu trọc nhau, không ngừng dơ điện thoại selfie. Nhiều du khách hâm mộ lễ hội độc đáo nhất nhì Việt Nam này lo lắng một ngày không xa Ná Nhèm sẽ nhạt nhòa, vắng vẻ.

Đình gần sập, suýt bỏ hội

Trước Tết một tháng, người dân Trấn Yên kêu cứu vì đình làng Mỏ, nơi diễn ra lễ hội Ná Nhèm bị xuống cấp trầm trọng. Theo ông Hoàng Văn Chẩn, phó ban quản lý di tích, ngôi đình được xây từ năm 1925 tới nay chưa được trùng tu hay tôn tạo cơ bản. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) xã Trấn Yên thấy đình xập xệ thiếu an toàn đã đánh tiếng “không làm hội” khiến các ông lềnh (phụ trách việc tế lễ trong làng) đứng ngồi không yên.

Vì sao Lễ hội có màn rước 'của quý' khổng lồ kém vui - 2

Kiệu rước tàng thinh mặt nguyệt đang tiến vào miếu Xa Vùn

Ông Hoàng Văn Chẩn, nguyên Bí thư xã, kiêm lềnh trưởng năm 2018 lo “bỏ hội khách thập phương đến không thấy, họ mắng cho ấy”. Đầu tháng chạp (trước hội hơn một tháng) ông Chẩn tức tốc lên UBND huyện Bắc Sơn cầu cứu, chủ tịch Tô Bắc Thái giật mình “sao có chuyện bỏ hội được?”.

Vì sao Lễ hội có màn rước 'của quý' khổng lồ kém vui - 3

Lính mới Ná Nhèm 2019

Người làng Mỏ tất bật chuẩn bị. Xã bỏ ra gần 30 triệu sửa chữa đình. Cột kèo xiêu vẹo được gia cố chằng chống bằng trụ sắt. Một số viên ngói mủn vỡ được vá lại bằng ngói khác màu “gọi là chữa tạm trong lúc chờ huyện tìm ra ngân sách để đại tu ngôi đình cổ qúy giá này”, ông Chẩn chia sẻ.

Người dân tưởng “bỏ hội” nên bốn thửa ruộng không gian cho đám rước và trò diễn đánh trận đã bị bừa vụn, gieo trồng cây thuốc lá. Hai ngày trước hội mưa tầm tã, các thửa ruộng ướt nhoét khiến đoàn rước gián đoạn, vất vả lội qua. Du khách giảm tương tác, họ đứng từ xa xem là chính, ai cũng ngại vầy bùn. Cũng vì thời gian cập rập nhiều trò diễn buổi chiều bị bỏ.

Những năm trước, có hai đài quan sát được dựng lên phục vụ trò “Thiên lôi giáo” đồng thời làm điểm đứng cho dân nhiếp ảnh tác nghiệp, năm nay chẳng thấy đâu. Một người trong ban tổ chức trích nguyên văn lời của ông Hoàng Văn Toàn, chủ tịch xã Trấn Yên: “Buổi chiều làm gì có ai đóng công đức nữa đâu mà làm trò chơi”.

TS Bàn Tuấn Năng, người bỏ nhiều công sức phục dựng lễ hội Ná Nhèm cho biết, dân làng (và các lềnh) thiết tha làm hội nhưng xã không bao giờ nhiệt tình ủng hộ vì sợ tốn tiền, ngại trách nhiệm.

Vì sao Lễ hội có màn rước 'của quý' khổng lồ kém vui - 4

Du khách mải chiêm ngưỡng tàng thinh nên ít để ý thấy mái đình làng Mỏ bị võng, lớp ngói cũ bị vá víu chằng chịt. Ảnh: Lan Hương

Trước hội phó ban di tích Hoàng Văn Chẩn gọi điện lên Hà Nội nhờ TS Năng đặt may 3 lá cờ hội kích thước 2m X 2m. TS Năng bảo “Đình sắp sập thì cũng phải treo cờ to cho đàng hoàng chứ, tiết kiệm mua cờ bằng cái tã thì tàng thinh oai phong làm cái gì?”. TS Năng tự động đặt may 1 cờ 5m X 5m treo sân đình, và 2 cờ nhỏ kích thước 3m X 3m để treo ở miếu Xa Vùn. Sau đó TS Năng tự tìm cách vận động một người con cháu họ Mạc (ở Hà Nội) đóng góp tiền cờ.

Giữa lộn xộn, tàng thinh vẫn là tiêu điểm

Trước hội nhiều phóng viên về tận làng Mỏ tìm gặp thợ mộc Hoàng Văn Cứng chỉ để dò hỏi về điểm đặc biệt của vật cúng - tàng thinh năm nay. Ông Cứng cho biết “của quý” dài 1,3 m, đường kính hơn 20cm, nặng 30 kg sơn màu hồng da người nhưng ông giữ luật không cho ai xem phần đầu của tàng thinh. Sáng 15 (âm lịch) chính hội, trước giờ rước, nhiều đoàn người vào đình lén lút lật tấm vải che ngó nghiêng, chụp trộm.

Lềnh trưởng Hoàng Văn Bàn vốn là người nóng nảy, thấy đông người chen chân xem trộm ông liền đưa ra chỉ đạo chưa từng có trong lệ làng:  “bê luôn tàng thinh mặt nguyệt ra trước sân đình cho dân tình thoải mái ngắm với chụp”.

Hỏi TS Bàn Tuấn Năng: “Hành xử như ông Bàn có liệu có thất lễ với nghi thức cúng tế?”. Tác giả phục dựng lễ hội lắc đầu chán nản: “Gốc vấn đề là dân làng không thống nhất với xã nên mạnh ai người ấy quyết. Ông Bàn vốn là thợ điện, năng nổ nhiệt tình, được bầu làm lềnh trưởng năm nay nhưng bản thân không có kinh nghiệm gì về việc tế lễ. Thành ra cứ làm bừa”.

Hỏi một thanh niên mặt nhọ, đầu nấm nhuộm chỏm vàng hoe đang dơ điện thoại livestream trong lúc khiêng kiệu “Em có biết ý nghĩa của tàng thinh không”. Anh bạn trả lời: “Em không rõ lắm. Chỉ biết là biểu tượng duy trì nòi giống dâng lên vua. Bạn bè em ở xa vào xem đang like rầm rầm đây này”.

Thành viên ban tổ chức cho hay, năm nay nhân lực tham gia làm hội vẫn đủ 165 người. Hơn 50% trong số đó là thanh niên trẻ đang làm xa, chủ yếu tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Dù được thông báo muộn, các nhà vẫn gọi con em về đầy đủ. Riêng đội diễn trò đánh đao tận 13 âm lịch mới có mặt.

Không khí lễ hội có chút lộn xộn như thiếu một người cầm trịch hiểu việc tuy vậy  đám đông vẫn phấn khích khi  đám rước rực rỡ khởi hành. Từ đình làng Mỏ đến miếu Xa Vùn (thờ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh) kiệu rước “tàng thinh” thắt nơ hồng, mặt nguyệt dát dây kim tuyến được hộ tống bởi đoàn tùy tùng gồm các bà then rung chuông nhảy múa,  các ông tướng cầm cành cây quét đường và hàng trăm binh lính bôi mặt nhọ vác đao diễn trò đánh trận.

Sau hội, ông Hoàng Văn Chẩn giọng kém vui chia sẻ “Hội không đông khách lắm vì tiền công đức được ít hơn năm trước, chỉ khoảng 70 triệu. Cộng với 50 triệu huyện Bắc Sơn cấp thì chi phí bị thâm vào khoảng 30-40 triệu”. Năm nay hội sắm 165 đôi giày giá 80 nghìn/đôi, mỗi người được phát 20 nghìn đồng ăn sáng, chi tiêu vẫn tiết kiệm nhưng chỉ trông vào ngân sách thì không đủ. Ông Chẩn cho rằng nếu sang năm hội chuẩn bị sớm trước ba tháng, kịp thời gian quảng bá, du khách và các nhà tài trợ sẽ đóng góp nhiều hơn, hy vọng nhờ đó có lực để duy trì lễ hội chất hơn.

Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) không chỉ là lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ Hoàng và Bế vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh. Họ Hoàng và họ Bế đã vượt qua các ràng buộc của Nho giáo để vác sinh thực khí Nam Nữ đi cung tiến cho đức vua của chính mình. Họ phải bôi mặt nhọ để tránh bị lộ mặt và thân phận. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản đến quốc gia.

Thực hư người đàn bà có hành động phản cảm ở Lễ hội Ná Nhèm

Vài ngày gần đây, bỗng nhiên trên mạng xã hội lan truyền một hình ảnh một người nữ giới đã luống tuổi lè lưỡi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hoa ([Tên nguồn])
Lễ hội phồn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN