Vì sao kính cao ốc đổ sập, vỡ vụn trong cuồng phong bão Yagi?
Bão số 3 Yagi quét qua đã cảnh báo nhiều nguy hiểm khôn lường về chất lượng xây dựng các công trình hiện nay.
Kết cấu bao che, chịu lực quá kém
Siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội với gió mạnh kèm mưa to đã khiến nhiều cao ốc, căn hộ,... bung vách kính, kính vỡ vụn.
Tại TP Hạ Long, loạt cửa kính của một khách sạn 5 sao bị thổi bay. Cả tấm vách kính bao mặt đứng của công trình bị gió bão làm đổ sập.
Ở Hà Nội, cửa kính, cửa sổ tại nhiều chung cư, shophouse,... bị vỡ vụn. Thậm chí, vách kính cửa sổ tại chung cư cũng lung lay, rung lên bần bật muốn bong ra khỏi cửa sổ.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá, các hiện tượng trên cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực là quá kém.
Loạt cửa kính bị thổi bay như giấy trong gió bão. Nguồn: MXH
Về nguyên nhân, ông Thịnh cho rằng, cần đánh giá trên nguyên tắc 5 chữ M trong công tác quản lý chất lượng. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là con người (Man) rồi xét đến các yếu tố tiếp theo là tiền (Money), vật tư vật liệu (Materials), máy móc (Machines) đến phương pháp (Method).
Theo vị này, đánh giá về con người cần phải thấy rõ trách nhiệm của các chủ thể từ chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát.
“Cửa/vách kính trong xây dựng được gọi là kết cấu bao che, có vai trò rất quan trọng. Khi thực hiện công trình xây dựng, các chủ đầu tư đều muốn đẹp, chất lượng đảm bảo. Nhưng khi nhắc đến câu chuyện chi phí, chữ M thứ hai là (Money) lại phát sinh, muốn cắt giảm chi phí dẫn đến vấn đề về thiết kế.
Vách kính bao mặt đứng của tòa nhà ở TP Hạ Long bị gió bão làm đổ sập. Nguồn: MXH
Ở đây, cần phân ra đơn vị thiết kế kiến trúc, đơn vị thiết kế kết cấu. Đối với việc lắp đặt cửa/vách kính, đơn vị thiết kế kiến trúc có nhiệm vụ chia các ô/mảng kính sao cho đẹp, mang tính thẩm mỹ. Còn đơn vị thiết kế kết cấu chịu trách nhiệm về toàn bộ thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách. Nhưng hiện nay, hầu hết bản vẽ thiết kế kết cấu người ta lờ đi thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách này”, ông Thịnh nêu vấn đề.
Quy định đã có, vấn đề là thực thi
Ông Thịnh nhấn mạnh: Bất kể một toà nhà hay một công trình đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nhưng nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm.
“Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào; đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... Đây là vấn đề mà đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán, lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện.
Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng rất lười, để nhà thầu thi công tự chọn, dẫn đến việc chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công, sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bảng vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký”, ông Thịnh nói.
Qua trường hợp công trình tại TP Hạ Long, cả mảng kính lớn của tòa nhà cao tầng tách ra, đổ ập xuống, ông Thịnh cho biết, trong ngành gọi đây là mặt dựng công trình. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mặt dựng này về nguyên lý đều phải được thí nghiệm tỷ lệ 1:1 trong phòng thí nghiệm. Nhưng trong quy chuẩn lại không có điều khoản bắt buộc phải làm thí nghiệm.
Vị chuyên gia cho rằng, đây là kẽ hở. Việc làm thí nghiệm mặt dựng trước khi đưa vào đại trà, xây dựng công trình là cần thiết.
Một vấn đề nữa, theo ông Thịnh, sau khi công trình được nghiệm thu, bàn giao, các đơn vị phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành/sử dụng để hướng dẫn chủ hộ (cư dân) biết sử dụng cửa/vách kính trong trường hợp bình thường cũng như khi gió bão.
Như việc nên mở hay đóng cửa, cửa sổ khi có bão người dân cũng chưa được hướng dẫn.
Kính cường lực vỡ vụn trong cơn bão số 3 tại Hà Nội. Ảnh: Hạnh Thuý
Theo ông Thịnh, ở đây cũng cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình khi để xảy ra những hiện tượng trên.
“Tất cả quy định, quy trình đều đã có, chỉ là con người thực thi như thế nào. Nếu làm đúng các quy trình trên thì chất lượng công trình được đảm bảo.
Bão số 3 Yagi là cảnh báo cho thấy nhiều vấn đề về chất lượng trong xây dựng các công trình hiện nay. Để giảm thiệt hại cho các công trình khi có mưa bão, các chủ sở hữu phải thực hiện đúng trách nhiệm, làm tốt từ thiết kế, chọn vật liệu đến thi công, giám sát và nghiệm thu chặt chẽ”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi khai thác sử dụng, công tác bảo trì rất quan trọng. Nếu công tác kiểm tra, bảo trì được thực hiện định kỳ, thường xuyên có thể tránh được các trường hợp đáng tiếc. Trước cơn bão, việc kiểm tra, gia cố được thực hiện cũng sẽ góp phần làm giảm thiệt hại.
Nguồn: [Link nguồn]
Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng là ba địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi quét từ biển vào đất liền ngày và đêm 7/9.