Vì sao không giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế?
Nhóm 13 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, song cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng, cần xem xét kỹ đến khả năng cân đối của quỹ cũng như mối tương quan với các điều kiện hưởng.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư lớn?
Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, 13 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hiệp hội Sữa (VDA), Hiệp hội Da giày - Túi xách (LEFASO), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Gỗ và lâm sản VFA), Hiệp hội Chè (VITAS), Hiệp hội Nhựa (VPAS), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, đánh giá, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam rất cao.
Luật hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi giữ nguyên tổng mức đóng bắt buộc vào các quỹ Bảo hiểm xã hội (gồm 22% vào quỹ hưu trí tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp); quỹ bảo hiểm y tế 4,5%, quỹ bảo hiểm thất nghiệp 2%. Trong đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5% (gồm bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5% bảo hiểm xã hội, 3% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp). Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội này gây khó cho nhiều người lao động khiến họ mất cơ hội hưởng lương hưu do không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội.
Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan Bảo hiểm xã hội
Cũng theo các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng, đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện quỹ này đã kết dư quá nhiều. Theo báo cáo của Chính phủ, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng. Trong khi mục đích của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ của cả người lao động, và người sử dụng lao động còn 0,5%, đồng thời có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về bảo hiểm y tế, đề xuất giảm mức đóng còn 1% đối với người lao động và còn 2% đối với người sử dụng lao động.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với mức đóng bảo hiểm y tế và quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế như hiện nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm đã tiệm cận với chi phí khám chữa bệnh phát sinh trong năm, bắt đầu có xu hướng phải sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung, do chi vượt thu (trừ năm 2020 do dịch Covid-19).
Trước kiến nghị của các hiệp hội và ngành hàng, nhiều người cho rằng, việc giảm tỉ lệ đóng góp của người sử dụng lao động vào thời điểm hiện tại là không phù hợp. Nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức tối thiểu vùng hoặc mức thấp nhất có thể trong khi thu nhập thực tế cao. Do vậy, nếu giảm tỉ lệ đóng thì mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ rất thấp, các khoản hưởng sẽ thấp theo.
Chia sẻ quan điểm của mình trên một diễn đàn về bảo hiểm xã hội, chị Nguyễn Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ, nhiều người lao động không biết đến việc mình đang được đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương nào cho đến khi đi làm thủ tục hưởng một khoản trợ cấp nào đó như bảo hiểm thất nghiệp, thai sản. Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay tôi đã làm việc ở 3 công ty khác nhau. Mỗi nơi đóng bảo hiểm xã hội theo bảng lương khác nhau. Ở công ty đầu tiên tôi được đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng dù thu nhập thực tế khi đó là 10 triệu đồng/tháng, cho nên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận được chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Ở công ty hiện tại, tôi được đóng bảo hiểm xã hội trọn vẹn theo mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu bây giờ công ty khó khăn và phải nghỉ việc, tôi sẽ được khoảng 12 triệu đồng/tháng trong thời gian đi tìm việc làm mới. Đó là một sự khác biệt rất lớn. Vậy nên, tôi nghĩ đóng ở mức cao thì khi thất nghiệp hay về già đều có lợi và sẽ ưu tiên chọn công ty nào đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ”.
Đóng ít hưởng nhiều khó cân đối quỹ
Dưới góc độ cơ quan thực thi chính sách, phản hồi đề xuất của các doanh nghiệp về việc giảm mức đóng bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với mức đóng bảo hiểm y tế và quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế như hiện nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm đã tiệm cận với chi phí khám chữa bệnh phát sinh trong năm, bắt đầu có xu hướng phải sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung, do chi vượt thu (trừ năm 2020 do dịch Covid-19).
Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tính đến hết tháng 9 năm nay, cả nước đã có hơn 127 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền quỹ bảo hiểm y tế thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, quy định hiện hành và định hướng sửa đổi thời gian tới đều chỉ quy định mức đóng tối đa, giao Chính phủ căn cứ theo điều kiện thực tế để quy định mức đóng cụ thể. Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 1% tiền lương tháng. Riêng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được đã được Chính phủ điều chỉnh giảm còn 0,5%, có thời điểm miễn đóng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP, trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Từ ngày 1-10-2022, người sử dụng lao động không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, hiện mức đóng bảo hiểm thất nghiệp quay về mức 1%.
Theo Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng đang được quy định tại các luật chuyên ngành khác như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế. Vì vậy, khi Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các luật này, đề nghị các cơ quan chủ trì xem xét cụ thể về đề xuất giảm mức đóng mà các doanh nghiệp có ý kiến, đánh giá trong mối tương quan với các điều kiện hưởng, phù hợp với thiết kế tổng thể của những chính sách này.
Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), hiện đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bộ cũng sẽ nghiên cứu để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6-2024 để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), trong đó có sửa đổi nhiều nội dung về bảo hiểm thất nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
Người lao động có thể ngồi nhà nộp sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online qua Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia và Cổng Dịch vụ Công một cửa TP.HCM.