Vì sao khách bị từ chối ở Singapore?
Gần 2.000 khách Việt bị nhà chức trách Singapore từ chối nhập cảnh trong 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, theo thống kê của hãng hàng không Jetstar Pacific, tính từ khi mở đường bay giữa Việt Nam và Singapore hồi tháng 11-2014 đến nay, đã có gần 550 lượt khách Việt bị nhà chức trách Singapore từ chối nhập cảnh. Với Vietjet Air, con số này lên tới hơn 1.500 lượt khách.
Hàng không cắn răng chịu đựng
Khách Việt bị từ chối nhập cảnh ở Singapore đã gây thiệt hại tài chính cho các hãng khi phải chi trả các khoản chi phí phát sinh cho nhân viên giám sát, phòng tạm giữ chờ xuất cảnh… Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết tính từ ngày khai thác đường bay hồi cuối năm ngoái, tổng số tiền hãng phải trả cho nước bạn là gần 110.000 SGD (đô-la Singapore) và con số này với Vietjet Air là hơn 1 triệu SGD. “Đó là chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác như vé máy bay cho khách Việt bị từ chối nhập cảnh bay về lại Việt Nam” - ông Hà nói thêm.
Nhiều du khách Việt bị từ chối nhập cảnh ở sân bay Changi, Singapore - Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Đại diện các hãng hàng không cho biết các trường hợp bị từ chối nhập cảnh đều không được giải thích lý do rõ ràng dù hành khách xuất trình hộ chiếu và giấy tờ tùy thân hợp lệ. Cũng vì không biết được lý do nên các hãng cũng rất khó tìm giải pháp xử lý và đành phải cắn răng chịu trận. “Theo quy định về hàng không, hành khách chỉ cần có vé máy bay, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp lệ và một khoản tiền nhất định thì hãng không được từ chối vận chuyển. Khi khách bị nhà chức trách các nước từ chối nhập cảnh thì các hãng phải chịu trách nhiệm” - ông Hà than thở.
Như lời cảnh tỉnh
Trước việc Singapore làm khó du khách Việt, nhiều người cho rằng cách làm việc của nhà chức trách Singapore là không minh bạch, thiếu tôn trọng công dân nước bạn nên đề nghị tẩy chay du lịch nước này. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng không phải tự nhiên mà Singapore hành xử như vậy. Thực tế, có nhiều người Việt lấy danh nghĩa du lịch để nhập cảnh vào nước bạn trộm cắp, lao động trái phép và hành nghề mại dâm.
Chị M.P (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết cuối năm ngoái, chị đi công tác theo đoàn, lúc đến sân bay Changi (Singapore) thì bị yêu cầu vào phòng thẩm vấn, lý do là vì chị trùng với tên của 1 người bị cấm nhập cảnh. “Khi vào phòng thẩm vấn, tôi thấy nhiều cô gái Việt cũng đang bị thẩm vấn, đưa tiền cho an ninh kiểm tra vì quy định phải có một khoản tiền nhất định mới cho nhập cảnh. Các cô này sau đó đều bị từ chối nhập cảnh. Có điều, nhìn qua các cô này có thể biết họ qua Singapore làm việc xấu” - chị M.P nói.
Dưới góc nhìn của một người làm du lịch lâu năm, đồng tác giả bài viết này (Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt) cho rằng đây là hệ quả của quá trình quản lý chưa chặt từ phía Việt Nam và cả nước bạn, để một số khách nhập cảnh vào Singapore rồi làm việc trái phép. Do đó, thay vì bất mãn hoặc kêu gọi tẩy chay Singapore, dư luận nên yêu cầu cơ quan quản lý Việt Nam ngồi lại xem chuyện gì đang xảy ra.
Động thái của nhà chức trách Singapore giúp chúng ta nhìn lại mình, tỉnh táo hơn để có biện pháp quản lý chặt chẽ, giải quyết triệt để tình trạng này. Có khi chúng ta phải cảm ơn họ đã mạnh mẽ để cơ quan quản lý Việt Nam chú ý. Nếu không, biết đâu không chỉ Singapore mà các nước trong khu vực từ Thái Lan, Malaysia và cả Hàn Quốc, Nhật trong tương lai cũng có thể từ chối những du khách Việt mà họ cho rằng nhập cảnh vào với mục đích không tốt.
Bây giờ, ngay cả Nga cũng chỉ cấp visa cho du khách Việt theo đúng lịch trình trên tour du lịch. Đây là hệ quả của việc một số công ty du lịch đã móc nối với khách và đối tác phía Nga để đưa người Việt qua đây rồi ở lại trái phép.
Kiểm soát từ gốc
Để hạn chế số lượng khách bị từ chối nhập cảnh vào Singapore, các hãng hàng không kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và phối hợp trao đổi với Singapore, đề nghị họ cung cấp danh sách hành khách Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh để các hãng triển khai đến hệ thống bán vé; cung cấp căn cứ, cơ sở mà khách bị từ chối nhập cảnh để nhân viên làm thủ tục có thể nhận biết và từ chối làm thủ tục với khách ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải cam kết với nước bạn về những giải pháp hạn chế người Việt ra nước ngoài làm chuyện xấu. Một giải pháp có thể làm ngay và hiệu quả là cấm những người Việt đã có “lịch sử” làm bậy, tạo hình ảnh xấu cho người Việt ở nước ngoài không được xuất cảnh. Các công ty du lịch giúp khách trốn ra nước ngoài rồi ở lại trái phép cũng phải bị nghiêm trị.
Yêu cầu khách nộp tiền đặt cọc Đó là kiến nghị của Jetstar Pacific gửi lên Cục Hàng không. Cụ thể, hành khách có thể được yêu cầu nộp một khoản đặt cọc khi làm thủ tục nếu hãng hàng không có cơ sở hợp lý cho rằng khách đó có khả năng bị từ chối nhập cảnh hoặc quá cảnh. Khoản tiền này dùng để thanh toán chi phí lưu trú, áp giải và các chi phí khác nếu có. Tại quầy thủ tục, nhân viên cũng yêu cầu khách ký cam kết thanh toán các khoản chi phí liên quan trong trường hợp khách không được phép nhập cảnh. |