Vì sao học viên cai nghiện ở Đồng Nai liên tục gây rối?
"Đồng Nai chưa phải là địa bàn trọng điểm, nhưng chỉ có tại Đồng Nai mới liên tục xảy ra tình trạng học viên cai nghiện gây rối, trốn trại. Cần phải xem lại công tác quản lý. Gốc rễ ở đâu, quá tải hay áp dụng chưa đúng chủ trương?", Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xúc với các học viên tại cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai
Chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có cuộc họp khẩn với tỉnh Đồng Nai để nắm bắt tình hình và bàn giải pháp khắc phục sự cố học viên đập phá, gây rối xảy ra tại cơ sở điều trị ma túy Đồng Nai.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung , Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai sau hai đợt cơ sở có những vấn đề phát sinh. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo có công điện chỉ đạo các địa phương rà soát củng cố xử lý những vấn đề liên quan đến cai nghiện, có các giải pháp triển khai, khẩn trương ổn định tình hình tính toán giải pháp bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, đây là trách nhiệm của Bộ. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung đặt vấn đề, tại sao trên cả nước có 142 cơ sở cai nghiện, nhiều nơi tình hình ma túy phức tạp hơn, Đồng Nai chưa phải là địa bàn trọng điểm, nhưng chỉ có tại Đồng Nai mới liên tục xảy ra tình trạng học viên cai nghiện gây rối, trốn trại? Theo Bộ trưởng, vấn đề này cần phải xem lại công tác quản lý ? Gốc rễ ở đâu, quá tải hay áp dụng chưa đúng chủ trương?
Học viên gây áp lực với lực lượng chức năng trong sáng 7/11
Theo sở LĐTB – XH Đồng Nai, tình hình mới nhất xảy ra vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 6/11 do một số học viên khu D xin về, lãnh đạo sở không giải quyết vì những lý do không chính đáng nên đã kích động , đập phá gây rối ANTT tạo phản ứng dây chuyền.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Đồng Nai nêu nguyên nhân dẫn đến các vụ việc học viên đập phá cơ sở cai nghiện vừa qua có nhiều nguyên do, theo phác đồ y tế thì học viên vào cai nghiện sẽ được sử dụng sedusen trong 15 ngày, hết thời gian sẽ ngưng thuốc.
Các học viên tiếp tục tiếp tục đòi sử dụng, nhưng không được đáp ứng; Học viên sợ phải ra tòa; đòi về nhà trước thời hạn; không gian sinh hoạt bị bó hẹp nên tạo ra ức chế. Đặc biệt là cơ sở không phù hợp, xuống cấp và quá tải khi chỉ đáp ứng được khoảng 700 học viên, nhưng hiện lên gần 1.500 người.
Ông Lộc nêu vấn đề xác định người nghiện ma túy là bệnh nhân sao không đưa vào bệnh viện điều trị, còn cơ sở thì không đủ điều kiện khám chữa bệnh, đây là điều bất cập về pháp lý. Vì là bệnh nhân, nên cán bộ quản lý không dám áp dụng biện pháp mạnh dù các học viên có những hành vi quá khích.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, ngoài nguyên nhân do điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tình trạng thiếu nhân sự cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý tại cơ sở cai nghiện. Hiện chỉ có 44 cán bộ nhân viên, trong khi có gần 1.500 học viên cai nghiện tạo áp lực công việc rất lớn.
Đó là chưa kể, lực lượng này cũng không được đào tạo chuyên sâu. Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã tổ chức tuyển dụng thêm 70 nhân sự cho cơ sở, nhưng rất ít người xin vào. Bà Hiệp đưa ra giải pháp giảm tải, trong khi chờ sửa chữa cơ sở, sẽ không tiếp nhận thêm học viên. Đồng thời rà soát lại, ai được gia đình bảo lãnh, bị bệnh sẽ cho về chữa bệnh.
Đại tá Nguyễn Văn Thăng, Trưởng Công huyện Xuân Lộc cho biết, theo quy định, nhiệm vụ của công an chỉ bảo vệ vòng ngoài. Chỉ khi học viên trong cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật mới được vào can thiệp. Qua 4 vụ học viên kích động vi phạm pháp luật vừa qua, ngày 28/10 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can Nguyễn Văn Huân.
Vụ ngày 6/11, đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng cầm đầu. Sáng nay, tiếp tục thanh loại 103 đối tượng. Ông Thăng cho rằng đây chỉ là giải pháp xử lý, còn để ổn định lâu dài, phải có những biện pháp khác, không thể cứ đưa công an vào mãi được.
Có mặt chỉ đạo ổn định tình hình tại cơ sở điều trị ma túy trong hai ngày qua, ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc nhận định cơ sở điều trị không đảm bảo, diện tích không phù hợp so với số người cai nghiện vào đây tăng quá nhanh. Khi vụ việc xảy ra nhiều người chạy hàng giờ trên mái tôn, trèo lên quá trụ điện cho thấy sức người không thể khỏe như thế được.
Sau khi làm việc với tỉnh Đồng Nai và vào thị sát tại cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh triển khai nhanh một số phương án để giảm tải cho cơ sở cai nghiện. Trong đó, cần khẩn trương thành lập hội đồng để rà soát các đối tượng có gia đình bảo lãnh để tạm thời giải quyết cho học viên về.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu phải phân loại số học viên có sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức nghiện để tạm thời cho ra. Đối với những học viên đã có quyết định của tòa án, nhưng đang bị bệnh, Bộ trưởng đề nghị cũng nên xem xét cho họ về để chữa bệnh.
Riêng các đối tượng quá khích, gây rối, thì phải kiên quyết điều tra, xử lý. Bộ trưởng đề nghị về lâu về dài, tỉnh Đồng Nai phải tính đến giải pháp để khắc phục triệt để, không để tiếp tục xảy ra sự cố tương tự.