Vì sao "hiệp sĩ đường phố" dừng bước?

Sự kiện: Tin nóng

Việc thành lập một tổ chức để quản lý những "hiệp sĩ" là cần thiết để hỗ trợ "hiệp sĩ" thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm hoạt động bắt cướp không bị lạm dụng để làm trái pháp luật.

Ngày 14-10, không riêng gì phóng viên, nhiều người đã tìm gặp "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải để hỏi kỹ hơn chuyện vì sao anh lại tuyên bố rời bỏ CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. CLB này là "chiếc nôi" của hàng chục CLB trải khắp các phường - xã và anh Hải là cánh chim đầu đàn trong phong trào "hiệp sĩ đường phố" của tỉnh Bình Dương.

Bỏ vì liên tục bị phê bình

Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết nguyên nhân cốt lõi khiến anh rời bỏ CLB là gần đây anh liên tiếp bị lãnh đạo phường phê bình do làm sai địa bàn, phát ngôn với báo chí một cách vội vàng, không thận trọng. Anh Hải nói: "Quy chế hoạt động do UBND tỉnh ban hành giờ không còn phù hợp với tôi nữa. Quy chế này yêu cầu "hiệp sĩ" truy đuổi đối tượng ra khỏi địa bàn phải báo cáo ngay. Thử hỏi người dân mất xe, đối tượng chạy về TP HCM, tôi đuổi theo 100 km/giờ thì làm sao tôi báo công an. Vì thế, tôi xin nghỉ sinh hoạt ở CLB...".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy chế hoạt động mà anh Hải đề cập đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2013. Quy chế có viết: "Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động: các hội viên phải báo ngay cho ban chủ nhiệm CLB để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho đội xung kích chống tội phạm ở các địa bàn khác cùng tham gia".

“Hiệp sĩ đường phố” Bình Dương bắt và áp tải 2 nghi phạm giao cơ quan công an Ảnh: NHƯ PHÚ

“Hiệp sĩ đường phố” Bình Dương bắt và áp tải 2 nghi phạm giao cơ quan công an Ảnh: NHƯ PHÚ

CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa do Chủ tịch UBND phường là bà Nguyễn Thị Kim Thúy làm chủ nhiệm. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, bà Thúy cho biết sau khi anh Hải đề đạt nguyện vọng thì ban chủ nhiệm đã họp lấy ý kiến và thống nhất giải quyết theo ý anh Hải. Tuy nhiên, bà Thúy lưu ý đến nay ban chủ nhiệm vẫn chưa ra quyết định chính thức cho anh Hải nghỉ.

Khi phóng viên hỏi về việc có gây áp lực gì cho "hiệp sĩ" hay không, bà Thúy khẳng định ban chủ nhiệm tạo mọi điều kiện cho "hiệp sĩ" hoạt động đúng luật. Hơn nữa, bà không yêu cầu anh Hải phải báo cho ban chủ nhiệm biết tin rồi mới được rượt bắt trộm cướp như thông tin báo chí nêu. "Ngay khi bắt nghi phạm xong, anh Hải báo cũng chưa muộn nhưng nhiều vụ, nhóm anh Hải đi ra khỏi địa bàn phường, bắt xong quay clip đăng lên mạng thì tôi mới biết nên ban chủ nhiệm phê bình anh Hải" - bà Thúy nói.

Quy chế cần sửa, "hiệp sĩ" cũng nên nhìn lại mình

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, nguyên Giám đốc Công an tỉnh - người rất tâm huyết với mô hình CLB phòng chống tội phạm, chia sẻ: "Quy chế của tỉnh đưa ra là để hướng cho anh em vừa cống hiến công sức của mình vừa hoạt động không chệch hướng chứ không "bó tay bó chân" anh em. Thực ra, nếu những quy định trong quy chế có gì chưa phù hợp hay lạc hậu thì ta góp ý".

Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, ông ghi nhận những đóng góp của anh Nguyễn Thanh Hải trong phong trào phòng chống tội phạm nhưng ông không ủng hộ việc anh Hải đưa ra những tuyên bố nóng vội, thiếu chừng mực.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM - cho rằng quy chế hoạt động của CLB phòng chống tội phạm do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2013 là không hợp lý. Bởi khi thấy tội phạm thì theo luật ai cũng được quyền bắt, luật cho phép như vậy nhưng quy chế nói rằng khi phát hiện tội phạm truy đuổi ra ngoài địa bàn phải báo thì không phù hợp với luật và phải sửa.

Bà Nhuệ phân tích theo điều 111 Bộ Luật Tố tụng Hình sự về "Bắt người trong trường hợp quả tang" thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Từ quy định của pháp luật, ta thấy bất kỳ ai, bất kỳ công dân nào cũng có quyền bắt người trong trường hợp này. Ngoài ra, tại khoản 2 điều 111 còn quy định thêm rằng khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp quần chúng nhân dân tham gia vào việc bắt người thì ngay sau khi bắt và tước vũ khí thì phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Nhất thiết phải được chính quyền quản lý

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), việc thành lập một tổ chức để quản lý những "hiệp sĩ" là cần thiết. Bởi lẽ, bắt cướp, cứu người là hành động tự nguyện, mỗi người dân đều có quyền tham gia nhưng khi được tổ chức thành mô hình CLB, chính quyền có thể quản lý được thành phần tham gia cũng như những hoạt động cụ thể của tổ chức. Việc này sẽ tạo điều kiện để chính quyền từng địa phương đưa ra những định hướng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các "hiệp sĩ" khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng giúp cho hoạt động bắt cướp không bị lạm dụng để thực hiện mục đích khác trái với pháp luật.

Phó Giám đốc Công an TP HCM, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, cũng từng trả lời với phóng viên Báo Người Lao Động rằng Công an TP HCM luôn khuyến khích người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trấn áp tội phạm. Mô hình "hiệp sĩ đường phố" đang được Công an TP HCM nghiên cứu chính sách để đưa ra quy chế hoạt động phù hợp. Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, nếu không được quản lý chặt chẽ, tội phạm sẽ lợi dụng danh nghĩa "hiệp sĩ" để gây án như vụ cướp xe máy vừa xảy ra ở quận 9, TP HCM. 

Biên Hòa quản chặt và nhân rộng

Lãnh đạo Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết luôn theo sát và quan tâm đến việc nhân rộng mô hình CLB phòng chống tội phạm. Thời gian qua, mô hình này được lực lượng công an xây dựng và đánh giá là hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng chống tội phạm.

Hiện nay, TP Biên Hòa có tất cả 6 CLB phòng chống tội phạm thuộc các phường Long Bình Tân, Long Bình, An Bình, Trảng Dài, Bửu Long, Thống Nhất và 1 CLB phòng chống tội phạm do Công an TP Biên Hòa trực tiếp quản lý.

Tâm sự những người vợ “hiệp sỹ“ bắt cướp

Mỗi lần chồng nghe điện thoại rồi xách xe chạy đi là người vợ lại một phen đứng ngồi không yên, cho đến khi trông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN