Vì sao hàng xóm ca bệnh Covid-19 số 243 bị lây bệnh còn người thân thì không?
PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng đến thời điểm này chưa thể khẳng định trong 2 ca bệnh Covid-19 số 243 và số 250, ai là ca bệnh F0 ở khu vực này, và có thể cả hai bệnh nhân này đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh khác mà hiện chưa tìm được nguồn lây.
Liên quan đến ca bệnh Covid-19 số 243 là nam (47 tuổi, trú tại xã thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội), sáng 8-4, ngành y tế đã xác định một ca bệnh khác (bệnh nhân số 250) là hàng xóm bệnh nhân này cùng trú trên địa bàn.
Khu vực phát hiện bệnh nhân Covid-19 số 243 được phong toả để lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: Ngô Nhung
Bệnh nhân 250 (là nữ, 50 tuổi, trú tại thôn Hạ Lôi) có tiếp xúc với bệnh nhân 243. Ngày 2-4, người phụ nữ này khởi phát bệnh. Ngày 5-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7-4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao những người có thời gian tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 như vợ, con sống trong cùng gia đình lại không mắc bệnh mà người hàng xóm lại mắc bệnh?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng đến thời điểm này chưa thể khẳng định đâu là ca bệnh F0 ở khu vực này. "Có thể cả hai bệnh nhân nói trên đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh khác mà chúng ta chưa tìm được nguồn lây. Bởi bản thân những người này cùng tham dự một đám cưới người trong làng nên chưa thể khẳng định điều gì và ai là người nhiễm bệnh cho ai? Còn trong trường hợp vì sao những người thân (vợ, con) bệnh nhân 243 không lây bệnh từ người đàn ông này mà người hàng xóm lại nhiễm bệnh thì có thể do cảm nhiễm và sức đề kháng của mỗi người khác nhau" - PGS Phu nói.
Theo PGS Trần Đắc Phu, đây không phải là trường hợp đầu tiên có tình trạng lây nhiễm như trên. Thực tế, ca bệnh 2 bố con người Trung Quốc (những ca bệnh Covid-19 đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam), trong đó người đàn ông Trung Quốc đã có hành trình cùng vợ, con trai di chuyển từ Hà Nội và Nha Trang, đến Long An, TP HCM nhưng chỉ có người con trai mắc bệnh còn vợ vẫn bình thường.
Ngoài ra, một nữ bệnh nhân Covid-19 ở Vĩnh Phúc cũng tiếp xúc với nhiều người nhưng không phải tất cả trong số này đều mắc bệnh, hay trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19 được mẹ chăm sóc nhiều ngày nhưng kết quả xét nghiệm của người mẹ vẫn âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, dư luận cũng đặt câu hỏi khi mà cháu bé 3 tháng tuổi (ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bị mắc Covid-19 do lây từ bà ngoại trong khi mẹ cháu bé ở cùng khu cách ly tại viện và hàng ngày vẫn tiếp xúc, chăm sóc bé nhưng lại không bị mắc bệnh từ con. Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chủ yếu qua đường tiếp xúc, các dịch tiết bắn ra từ người bệnh.
Vì vậy, khi người mẹ chăm sóc cho bé (cháu bé 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19) hàng ngày, được hướng dẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt biện pháp phòng vệ là đeo khẩu trang đúng cách. Trong lúc chăm sóc cần tránh các giọt bắn của trẻ vào mắt, niêm mạc, đường hô hấp…, đồng thời thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc.
Tương tự, với nhân viên y tế - những người chăm sóc, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân - cũng áp dụng đúng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như vậy.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cho rằng có thể do cảm nhiễm của mỗi người, những người có sức đề kháng tốt, virus không thể xâm nhập và gây bệnh.
PGS Trần Đắc Phu cũng cho rằng dư luận đừng nên quá để ý đến đời tư của người mắc bệnh. Việc làm này có thể khiến bệnh nhân mặc cảm, ngại khai báo, ảnh hưởng đến việc điều tra dịch tễ. Trong lúc này, việc khai báo y tế rất quan trọng để phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi rà soát, phong tỏa tuyến phố bán hoa tươi, cơ quan chức năng đã yêu cầu cách ly bắt buộc 6 người...